Những chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc nào áp dụng cho người lao động nước ngoài tại Việt Nam?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Có các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc nào cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam? Người lao động nước ngoài có thời hạn làm việc tại Việt Nam theo giấy phép lao động tối đa là bao lâu?

Nội dung chính

    Có các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc nào cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam?

    Căn cứ Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

    Các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc

    1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

    2. Chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định này tính trên thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Nghị định này.

    Như vậy, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định thực hiện 04 chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.

    Có các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc nào cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam? (Hình từ Internet)

    Người lao động nước ngoài có thời hạn làm việc tại Việt Nam theo giấy phép lao động tối đa là bao lâu?

    Đầu tiên, tại Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

    Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

    ...

    2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

    ...

    Đồng thời, tại Điều 10 Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về thời hạn của giấy phép lao động như sau:

    Thời hạn của giấy phép lao động

    Thời hạn của giấy phép lao động được cấp theo thời hạn của một trong các trường hợp sau đây nhưng không quá 02 năm:

    1. Thời hạn của hợp đồng lao động dự kiến sẽ ký kết.

    2. Thời hạn của bên nước ngoài cử người lao động nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam.

    3. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

    4. Thời hạn hợp đồng hoặc thỏa thuận cung cấp dịch vụ ký kết giữa đối tác Việt Nam và nước ngoài.

    5. Thời hạn nêu trong văn bản của nhà cung cấp dịch vụ cử người lao động nước ngoài vào Việt Nam để đàm phán cung cấp dịch vụ.

    ...

    Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì người lao động nước ngoài có thời hạn làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của giấy phép lao động. Hay nói cách khác thời hạn làm việc của người lao động nước ngoài tại Việt Nam sẽ không quá 02 năm.

    Người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải có trách nhiệm như thế nào?

    Căn cứ theo Điều 153 Bộ luật Lao động 2019 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài:

    Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài

    1. Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    2. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

    3. Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài phải có trách nhiệm như sau:

    - Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    - Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

    - Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

    35
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ