Những ai được cư trú trong khu vực biên giới đất liền? Điều kiện để người Việt Nam đi vào khu vực biên giới là gì?

Chuyên viên pháp lý Lê Trần Hương Trà
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Ai được cư trú trong khu vực biên giới đất liền? Điều kiện để người Việt Nam đi vào khu vực biên giới? Xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới đất liền như thế nào?

Nội dung chính

    Những ai được cư trú trong khu vực biên giới đất liền?

    Căn cứ Điều 6 Luật Biên giới Quốc gia 2003 quy định như sau:

    Khu vực biên giới đất liền gồm xã, phường, thị trấn có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền;

    Căn cứ vào khoản 1 Điều 5 Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định về những người được cư trú ở khu vực biên giới đất liền như sau:

    Cư trú ở khu vực biên giới đất liền
    1. Những người được cư trú ở khu vực biên giới đất liền:
    a) Cư dân biên giới;
    b) Người có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền cho phép cư trú ở khu vực biên giới đất liền;
    c) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, công nhân, viên chức, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật Công an nhân dân có đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới đất liền.
    2. Những người không được cư trú ở khu vực biên giới đất liền:
    a) Người đang thi hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền cấm cư trú ở khu vực biên giới đất liền, người chưa được phép xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh;
    b) Người đang bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú;
    c) Người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế;
    d) Người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.
    đ) Người không thuộc diện quy định tại Khoản 1 Điều này;
    Các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, d Khoản này không áp dụng đối với cư dân biên giới.

    Theo đó, những người được cư trú ở khu vực biên giới đất liền gồm:

    - Cư dân biên giới;

    - Người có giấy phép của cơ quan Công an có thẩm quyền cho phép cư trú ở khu vực biên giới đất liền;

    - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân viên quốc phòng, hạ sĩ quan, chiến sĩ Quân đội nhân dân; sĩ quan, công nhân, viên chức, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật CAND có đơn vị đóng quân ở khu vực biên giới đất liền.

    Những ai được cư trú trong khu vực biên giới đất liền? Điều kiện để người Việt Nam đi vào khu vực biên giới?

    Những ai được cư trú trong khu vực biên giới đất liền? Điều kiện để người Việt Nam đi vào khu vực biên giới? (Hình từ Internet)

     

    Điều kiện để người Việt Nam đi vào khu vực biên giới là gì?

    Căn cứ Điều 6 Thông tư 43/2015/TT-BQP quy định đi vào khu vực biên giới như sau:

    - Công dân Việt Nam (không phải là cư dân biên giới) vào khu vực biên giới phải:

    + Có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật;

    + Xuất trình giấy tờ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

    + Trường hợp nghỉ qua đêm phải đăng ký lưu trú tại Công an xã, phường, thị trấn;

    + Hết thời hạn lưu trú phải rời khỏi khu vực biên giới;

    + Trường hợp có nhu cầu lưu lại quá thời hạn đã đăng ký phải đến nơi đã đăng ký xin gia hạn.

    - Công dân Việt Nam (không thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định 34/2014/NĐ-CP) vào vành đai biên giới phải có giấy tờ tùy thân theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại. Trường hợp ở qua đêm trong vành đai biên giới phải đăng ký lưu trú tại Công an cấp xã theo quy định của pháp luật; Công an cấp xã có trách nhiệm thông báo bằng văn bản theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này cho Đồn Biên phòng sở tại biết để phối hợp theo dõi, quản lý.

    Quy định về việc xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới đất liền như thế nào?

    Căn cứ vào Điều 8 Nghị định 34/2014/NĐ-CP quy định về việc xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới đất liền như sau:

    - Việc xây dựng các dự án, công trình trong khu vực biên giới đất liền không được làm ảnh hưởng công trình biên giới; thay đổi dấu hiệu nhận biết đường biên giới, hư hại, hủy hoại hoặc mất mốc quốc giới; không vi phạm các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng.

    - Khi xây dựng các dự án, công trình trong vành đai biên giới, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong thời hạn 30 ngày, cơ quan được lấy ý kiến phải có văn bản trả lời cơ quan gửi lấy ý kiến.

    Khi triển khai thực hiện các dự án, công trình, chủ đầu tư phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và chính quyền địa phương sở tại biết trước ít nhất trước 03 (ba) ngày làm việc.

    - Các cơ quan, tổ chức tham gia khảo sát, thiết kế, thi công, triển khai thực hiện các dự án, công trình ở khu vực biên giới đất liền phải thông báo trước 03 (ba) ngày cho Đồn Biên phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã sở tại về danh sách người, phương tiện, thời gian, phạm vi, nội dung hoạt động.

    - Đồn Biên phòng có trách nhiệm hướng dẫn các đơn vị theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 nhận biết đường biên giới, phạm vi khu vực biên giới đất liền, vành đai biên giới, vùng cấm, các quy định có liên quan đến quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; các hiệp định về quy chế biên giới mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng.

     

    75
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ