Nhân dân trong bản có thể tự bàn bạc và tổ chức công việc trong nội bộ cộng đồng như thế nào?

Xin hỏi, nhân dân trong bản có thể tự bàn bạc và tổ chức công việc trong nội bộ cộng đồng như thế nào?

Nội dung chính

    Nhân dân trong bản có thể tự bàn bạc và tổ chức công việc trong nội bộ cộng đồng như thế nào?

    Xã Q là một xã vùng cao thường xuyên thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu, do đó xã được một tổ chức nước ngoài tài trợ cho xây hệ thống kênh mương. Nằm trong diện được tài trợ, bản Lầu, một bản trong xã cũng được xây con mương dẫn nước. Tuy nhiên sau 2 năm vận hành, do không quản lý và duy tu thường xuyên nên một số đoạn mương đã bị sạt lở và hư hỏng. Thậm chí có tình trạng các hộ tự ý tháo nước từ mương về ruộng mình một cách ồ ạt, lãng phí, khiến nguồn nước dần cạn kiệt, trong khi những nương ruộng cuối nguồn, xa mương lại không đủ nước tưới, ảnh hưởng đến sản xuất. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số mâu thuẫn, xích mích nhỏ đã xảy ra trong bản. Để bảo vệ mùa màng trước nguy cơ thiếu nước tưới, và cũng để tránh mâu thuẫn trong dân, Trưởng bản định tổ chức họp dân để thành lập tổ quản lý mương nước nên đã đến Uỷ ban nhân dân xã xin ý kiến chỉ đạo. Uỷ ban nhân dân xã cần hướng dẫn Trưởng bản Lầu giải quyết vụ việc này như thế nào?

    Đây là tình huống có liên quan đến quyền tự quản của người dân. Vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống này là liệu nhân dân bản Lầu có thể tự tổ chức tổ quản lý kênh mương của bản để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, điều phối việc tưới tiêu, hạn chế mâu thuẫn trong dân hay không? Nếu có thì nguyên tắc tổ chức, hoạt động và trình tự thực hiện như thế nào? Vai trò của chính quyền xã trong vấn đề “tự quản” của người dân? Cần lưu ý là việc giải quyết tình huống này không chỉ cần đúng về mặt pháp lý mà còn đòi hỏi phải phù hợp với các yếu tố tâm lý, tập quán cộng đồng (dựa trên đặc điểm cộng đồng mà tổ chức đời sống tự quản như thế nào cho phù hợp).

    Về quyền bàn bạc và quyết định của người dân đối với việc tổ chức quản lý kênh mương

    Theo quy định tại Điều 10 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn 2007 thì các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư thôn và việc tổ chức bảo vệ sản xuất, kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự là một trong 5 loại việc của cộng đồng dân cư mà người dân được bàn bạc và trực tiếp quyết định. Như vậy việc bảo vệ, điều tiết nước trong kênh mương thuộc loại việc dân trong bản có thể bàn bạc, quyết định và tự tổ chức thực hiện. Để thực hiện viêc này, Trưởng bản và Bí thư chi bộ cần phối hợp với trưởng các đoàn thể trong bản (Chi hội Nông dân, Chi hội Phụ nữ, Cựu chiến binh và Chi đoàn Thanh niên) để thực hiện các việc sau:

    - Tập hợp ý kiến của dân trong bản, xem xét đầy đủ hiện trạng của hệ thống kênh mương, thu thập ý kiến phản ánh của các hộ dân để đánh giá xem liệu còn có thể khắc phục được tình trạng nêu trên hay không và mức độ khắc phục. Sau đó lập thành biên bản gửi ý kiến lên Uỷ ban nhân dân xã.

    - Nếu hệ thống kênh mương vẫn còn trong giai đoạn thực hiện dự án, có thể thông qua chính quyền xã đề xuất lên cơ quan quản lý dự án để giúp đỡ, hỗ trợ cho kinh phí sửa chữa và bảo trì.

    - Nếu đã hết thời gian thực hiện dự án, và kể cả trong trường hợp đã đề nghị xin được hỗ trợ kinh phí sửa chữa, vẫn cần có sự tổ chức và tự quản của dân cư trong bản để bảo trì và sử dụng có hiệu quả hệ thống kênh mương. Công việc này phải dựa vào ý thức tổ chức và tinh thần tự quản của người dân, chứ rất khó trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, bởi chính người dân mới là đối tượng sử dụng trực tiếp, hàng ngày, hàng giờ con mương và có khả năng giám sát, bảo quản sát sao nhất. Trong trường hợp này Trưởng bản phối hợp với Bí thư chi bộ và trưởng các đoàn thể để tiến hành các việc sau:

    + Bước 1: Thu thập ý kiến của các hộ dân trong bản, báo cáo lên chính quyền xã để tổ chức họp dân.

    + Bước 2: Tổ chức họp dân - đây là phương thức tốt nhất. Trong trường hợp bản ở vùng sâu rất khó họp dân, có thể phát phiếu lấy ý kiến nhân dân trong bản. Trong khi tổ chức họp dân, cần thảo luận để đề xuất phương án giải quyết về các vấn đề:

    . Huy động đóng góp của người dân trong bản để có kinh phí sửa chữa kênh mương và chi trả quản lý phí cho người chuyên trông coi và điều tiết việc tháo nước ở mương; chi trả cho việc quản lý: khen thưởng trong việc sử dụng mương.

    . Thảo luận và thông qua Quy ước về việc sử dụng mương: cụ thể là việc tháo nước nên làm trong thời điểm nào, thứ tự tháo ra sao, ai điều tiết việc tháo, biện pháp xử lý những người vi phạm trong sử dụng nguồn nước từ mương; chế độ khen thưởng khuyến khích những người có hành vi tích cực trong bảo vệ mương, ví dụ: phát hiện và ngăn chặn sạt lở...

    Trong xây dựng Quy ước về bảo vệ nguồn nước tưới - các yếu tố tập quán và đặc điểm sinh hoạt cộng đồng hoàn toàn có thể tiếp thu vận dụng. Ví dụ: dựa theo tập quán xưa, người Nùng ở miền núi phía Bắc: hệ thống thuỷ lợi bao gồm đập và mương dẫn nước do các hộ cùng hợp sức làm. Trưởng bản là người quản lý và điều hoà nguồn nước cho các hộ gia đình. Hàng năm vào mùa cày cấy hay các dịp nắng hạn, Trưởng bản phải kịp thời thông báo cho các hộ và sắp xếp thời gian để họ dẫn nước vào ruộng. Dưới sự điều hành của Trưởng bản, Ông Coi Nước - một chức danh do dân bản cử ra - sẽ trực tiếp tháo nước từ đập vào ruộng của mỗi hộ gia đình. Nội dung này có thể được vận dụng vào việc quản lý và điều tiết hệ thống tưới tiêu của bản.

    . Tổ chức bầu ra Ban quản lý mương; xây dựng quy chế hoạt động cho Ban và giám sát của Ban Thanh tra nhân dân xã đối với hoạt động của Ban.

    . Cuối cùng, kết quả bầu cử Ban Quản lý cũng như quyết định về mức đóng góp của dân phải được hơn 50% số hộ dân trong bản nhất trí; kết quả này phải được lập thành biên bản, sau đó gửi lên Uỷ ban nhân dân xã để Chủ tịch Uỷ ban nhân dân ra quyết định công nhận.

    5