Nhà hàng xóm đổ sập đè nhà mình có yêu cầu bồi thường được không?
Nội dung chính
Nhà hàng xóm có nguy cơ sập đè nhà mình, có yêu cầu hàng xóm phá dỡ nhà được không?
Căn cứ tại điểm b khoản 1 Điều 118 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 thì công trình có nguy cơ sụp đổ ảnh hưởng đến cộng đồng và công trình lân cận thuộc trường hợp phải phá dỡ theo quy định.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trường hợp công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phá dỡ. Chi phí phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, nếu nhà hàng xóm có nguy cơ sập đổ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của nhà mình, hoàn toàn có quyền yêu cầu hàng xóm thực hiện sửa chữa hoặc tháo dỡ công trình để khắc phục tình trạng nguy hiểm. Trường hợp hàng xóm không tự nguyện thực hiện, có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định phá dỡ. Toàn bộ chi phí phá dỡ sẽ do hàng xóm chịu trách nhiệm thanh toán.
Nhà hàng xóm đổ sập đè nhà mình có yêu cầu bồi thường được không? (Hình từ Internet)
Nhà hàng xóm đổ sập đè nhà mình có yêu cầu bồi thường được không?
Theo quy định tại Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Căn cứ theo quy định trên, nhà hàng xóm đổ sập đè nhà mình thì hàng xóm (chủ nhà) phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp người thi công xây nhà hàng xóm có lỗi trong việc để nhà hàng xóm gây thiệt hại cho nhà mình thì phải liên đới bồi thường. Tuy nhiên, trường hợp nhà hàng xóm đổ sập gây thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của nhà mình thì không phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong trường hợp không có sự kiện bất khả kháng hoặc nhà mình hoàn toàn không có lỗi trong vụ việc nhà hàng xóm bị sập thì nguyên tắc bồi thường sẽ thực hiện theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
(1) Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
(2) Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
(3) Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
(4) Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
(5) Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, nhà hàng xóm đổ sập đè nhà mình gây thiệt hại có yêu cầu bồi thường được hay không được xác định trong 2 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Trường hợp nhà hàng xóm đổ sập gây thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của nhà mình thì không yêu cầu bồi thường được.
Trường hợp 2: Trường hợp không có sự kiện bất khả kháng hoặc nhà mình hoàn toàn không có lỗi trong vụ việc nhà hàng xóm bị sập thì được yêu cầu hàng xóm và bên thi công nhà hàng xóm (nếu bên thi công có lỗi) bồi thường. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án xác định mức bồi thường dựa trên các nguyên tắc nêu trên. Trường hợp yêu cầu hàng xóm bồi thường nhưng hàng xóm và bên thi công (nếu có) không chịu bồi thường thì có thể nộp đơn khởi kiện tới Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Xác định thiệt hại do căn nhà bị nhà hàng xóm đổ sập đè trúng như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, việc xác định thiệt hại do căn nhà bị nhà hàng xóm đổ sập đè trúng như sau:
(1) Việc bồi thường thiệt hại do nhà bị hủy hoại (trường hợp nhà cửa bị đè trúng và bị sập hoàn toàn) hoặc nhà bị hư hỏng (trường hợp nhà bị đè trúng nhưng chưa sập hoàn toàn) được xác định theo thỏa thuận của các bên (mình và hàng xóm). Trường hợp không thỏa thuận được xác định như sau:
- Thiệt hại đối với nhà bị hủy hoại (trường hợp nhà cửa bị đè trúng và bị sập hoàn toàn):
Thiệt hại được xác định dựa trên giá trị thị trường của nhà bị đè sập. Giá trị này tính theo tài sản cùng loại hoặc nhà có tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, chất lượng tương đương tại thời điểm giải quyết bồi thường, sau khi xem xét mức độ hao mòn của ngôi nhà trước khi bị đè sập (*)
- Thiệt hại đối với nhà bị hư hỏng (trường hợp nhà bị đè trúng nhưng chưa sập hoàn toàn)
Nếu nhà cửa bị đè sập có thể khôi phục, thiệt hại sẽ được xác định là chi phí thực tế để sửa chữa, khôi phục, xây dựng lại nhà như tình trạng ban đầu, dựa trên giá thị trường tại thời điểm giải quyết bồi thường. Trường hợp không thể khôi phục, giá trị thiệt hại được tính như đã nêu ở trên (theo (*)).
(2) Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác nhà bị đè trúng:
Nếu nhà bị đè sập ảnh hưởng đến lợi tức (ví dụ: thu nhập từ việc cho thuê nhà), lợi tức được tính theo giá thực tế đang thu, nếu chưa thu thì theo giá thị trường cùng loại hoặc mức giá thuê trung bình 01 tháng của nhà cùng loại hoặc nhà có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm xác định thiệt hại;
(3) Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại:
Các chi phí phát sinh cần thiết để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại (ví dụ: di dời đồ đạc để tránh hư hỏng, hoặc xử lý phần nhà còn lại để đảm bảo an toàn) cũng được tính vào thiệt hại. Chi phí sửa chữa, khôi phục lại tình trạng ban đầu của ngôi nhà bị xâm phạm.