Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ

Hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ dựa trên những nguyên tắc nào?

Nội dung chính

    Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ từ 01/01/2025

    Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT thì các nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu nạn trong lĩnh vực đường bộ bao gồm:

    (1) Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động phòng, chống thiên tai và cứu nạn được quy định tại Điều 4 Luật Phòng, chống thiên tai 2013, cụ thể:

    - Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

    - Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

    - Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

    - Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

    - Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

    - Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

    - Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

    (2) Khi thiên tai suy yếu hoặc sau khi thời tiết trở lại bình thường các tổ chức, cá nhân theo nhiệm vụ được giao phải triển khai ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục các thiệt hại xảy ra đối với công trình đường bộ để khôi phục hoạt động giao thông, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt.

    (3) Các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong kế hoạch đề ra phải được đáp ứng về nguồn nhân lực, vật lực theo phương châm bốn tại chỗ “chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ” nhằm hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của thiên tai và ứng cứu, khắc phục trong thời gian ngắn nhất.

    (4) Bảo đảm an toàn cho người, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các công trình giao thông, phương tiện hoạt động trên đường bộ; hạn chế mức thấp nhất sự cố, tai nạn do chính hoạt động phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra.

    Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ (hình từ internet)

    Nguyên tắc hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ (Hình từ internet)

    Phòng ngừa thiên tai đối với công trình đường bộ đầu tư xây dựng mới như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT thì chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ mới phải bảo đảm các quy định sau:

    - Thiết kế, xây dựng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm thoát lũ và các yêu cầu về phòng, chống thiên tai.

    - Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai.

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch.

    Quy định về phòng ngừa thiên tai đối với nhà thầu thi công trong quá trình thi công và hoàn thành công trình đường bộ?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT thì trong quá trình thi công và hoàn thành công trình đường bộ, nhà thầu thi công công trình đường bộ phải thực hiện các nội dung phòng ngừa thiên tai sau:

    - Thi công công trình phải tuân thủ theo quy trình, bảo đảm an toàn giao thông khi thi công các công trình liên quan đến đường bộ đang khai thác theo phương án, biện pháp tổ chức thi công, phương án phòng ngừa thiên tai;

    - Không vứt, bỏ vật liệu, phế thải làm tắc nghẽn dòng chảy. Khi thi công xong phải thanh thải lòng sông để thoát nước tốt cũng như bảo đảm an toàn giao thông thủy;

    - Khi có thiên tai sắp xảy ra trên khu vực công trình, phải bố trí người và phương tiện, thiết bị để ứng phó, khắc phục; tiến hành kiểm tra tình hình thực tế của công trình và đôn đốc thực hiện phương án phòng ngừa thiên tai;

    - Hạ thấp các thiết bị trên cao, đưa các phương tiện dưới sông vào nơi khuất gió và neo chằng chắc chắn; thu dọn vật liệu gọn gàng, đưa thiết bị vào bãi, chuẩn bị vật tư ứng cứu, sửa chữa những hư hỏng công trình đường bộ để bảo đảm giao thông an toàn êm thuận trong mọi tình huống;

    - Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư cần thiết để tham gia việc phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai theo yêu cầu, lệnh điều động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

    Lưu ý: Thông tư 40/2024/TT-BGTVT có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025.

    15