Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kiểm toán Nhà nước được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kiểm toán Nhà nước được quy định như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Quyết định 161/QĐ-KTNN năm 2016 Quy trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Kiểm toán nhà nước, nguyên tắc giải quyết được quy định như sau:
Mọi khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị liên quan đến khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi chung là khiếu nại, tố cáo) phải được xem xét, giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo phải bảo đảm tính khách quan, trung thực, chính xác, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định pháp luật; bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo để việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả.
Không xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo giấu tên, mạo danh, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp, sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới. Trừ trường hợp Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo giải quyết.
Thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo và gia hạn thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.