Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội bao gồm những nguồn vốn nào?

Chuyên viên pháp lý Sằn Ửng Moi
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Nhà nước dành nhiều nguồn vốn hỗ trợ thực hiện chính sách nhà ở xã hội, giúp người có thu nhập thấp sở hữu nhà ở. Vậy, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi gồm là từ đâu?

Nội dung chính

    Nguyên tắc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội là gì?

    Theo quy định tại Điều 46 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì các nguyên tắc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội bao gồm:

    - Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi hỗ trợ nhà ở thì chỉ được áp dụng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất.

    - Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách vay vốn ưu đãi thì chỉ áp dụng một chính sách vay vốn cho cả hộ gia đình.

    - Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện việc cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về tín dụng và pháp luật có liên quan.

    - Ngân hàng Chính sách xã hội được huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân để cho các đối tượng này vay theo quy định tại khoản 1 Điều 48 và khoản 1 Điều 71 Nghị định 100/2024/NĐ-CP sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định theo thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội.

    Như vậy, nguyên tắc thực hiện chính sách vay vốn ưu đãi để mua nhà ở xã hội bao gồm một số điểm quan trọng. Đầu tiên, nếu một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách vay ưu đãi, chỉ chính sách có mức hỗ trợ cao nhất sẽ được áp dụng. Thứ hai, đối với hộ gia đình có nhiều thành viên đủ điều kiện, chỉ một chính sách vay sẽ được áp dụng cho toàn hộ. Ngoài ra, việc cho vay ưu đãi sẽ được thực hiện bởi Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Cuối cùng, Ngân hàng Chính sách xã hội có thể huy động tiền gửi tiết kiệm từ các hộ gia đình, cá nhân để phục vụ cho việc cho vay, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho những người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở xã hội.

    Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội bao gồm những nguồn vốn nào?

    Theo quy định tại Điều 50 Nghị định 100/2024/NĐ-CP thì nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội bao gồm:

    (1) Nguồn vốn cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội:

    - Ngân sách nhà nước bố trí cấp 100% nguồn vốn, cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định để cho vay đối với các đối tượng quy định tại Điều 25, Điều 26, khoản 1 Điều 47, khoản 3 Điều 71 Nghị định 100/2024/NĐ-CP;

    - Ngân sách nhà nước bố trí cấp 50% nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, Ngân hàng Chính sách xã hội đáp ứng 50% nguồn vốn huy động; ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định để cho vay đối với các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 77 Luật Nhà ở 2023;

    - Nguồn vốn ủy thác từ Quỹ phát triển nhà ở địa phương (nếu có), ngân sách địa phương hỗ trợ hàng năm, vốn từ phát hành trái phiếu, công trái nhà ở và từ các nguồn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (đối với ngân sách cấp tỉnh), cấp huyện (đối với ngân sách cấp huyện) quyết định để thực hiện mục tiêu, kế hoạch nhà ở xã hội tại địa phương.

    (2) Nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

    - Nguồn vốn cho vay từ phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật để cho vay nhà ở xã hội theo quy định tại khoản 6 Điều 25 Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Nhà nước không cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.

    - Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để cho vay nhà ở xã hội theo các chương trình cho vay của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ. Nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý.

    (3) Nguồn vốn ưu đãi từ ngân sách nhà nước:

    Căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh trong từng thời kỳ do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm làm cơ sở để ngân sách nhà nước cấp nguồn vốn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cấp bù lãi suất cho đối tượng là chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân và cá nhân vay vốn để xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở để cho thuê theo quy định của Nghị định này vay vốn ưu đãi tại các tổ chức tín dụng. Mức lãi suất cấp bù do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính cho từng thời kỳ.

    (4) Nguồn vốn cho vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng:

    - Các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định cho vay theo quy định tại các Chương trình tín dụng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;

    - Chính phủ sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (vay ODA), vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với tổ chức tín dụng được chỉ định để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định này;

    - Trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương.

    Như vậy, nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội bao gồm các nguồn: từ Ngân hàng Chính sách xã hội với vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn ủy thác địa phương; từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam qua phát hành trái phiếu và ngân sách nhà nước; từ ngân sách nhà nước trực tiếp cấp bù lãi suất cho các chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; và từ các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định, sử dụng vốn vay ODA và trái phiếu chính phủ, nhằm hỗ trợ các đối tượng và chương trình nhà ở xã hội theo từng kế hoạch cụ thể.

    Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội  bao gồm những nguồn vốn nào?

    Nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội  bao gồm những nguồn vốn nào? (Hình ảnh từ internet)

    Nguồn vốn cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội được quản lý và sử dụng thế nào?

    Theo Điều 51 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý và sử dụng nguồn vốn cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội thực hiện theo 03 nội dung sau:

    - Việc quản lý nguồn vốn và quản lý sử dụng vốn cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định thực hiện.

    - Việc phân loại nợ và xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định về phân loại nợ và xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

    Như vây, nguồn vốn cho vay ưu đãi nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 51 Nghị định 100/2024/NĐ-CP. Cụ thể, Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định chịu trách nhiệm quản lý nguồn vốn và sử dụng vốn cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, việc phân loại nợ và xử lý nợ rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo quy định hiện hành, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong quản lý tài chính.

    58
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ