Người nhận thừa kế nhà đất có phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản không? Người nhận thừa kế nhà đất có những quyền gì?

Người nhận thừa kế nhà đất có phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản không? Người nhận thừa kế nhà đất có những quyền gì?

Nội dung chính

    Người thừa kế là gì?

    Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 thì người thừa kế được quy định cụ thể như sau:

    Người thừa kế
    Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

    Theo đó, người thừa kế là cá nhân thì phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mởi thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Còn đối với người thừa kế không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế

    Pháp luật quy định về quyền thừa kế như sau:

    - Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

    - Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.

    Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

    Người nhận thừa kế nhà đất có phải thực hiện nghĩa vụ của người để lại di sản không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại
    1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
    2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
    3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
    4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

    Theo đó, trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài sản của người đã khuất thuộc về những người thừa kế. Tuy nhiên, trách nhiệm này chỉ áp dụng đối với những ai đã nhận được phần di sản. Nếu một người thừa kế từ chối nhận di sản, họ sẽ không phải gánh chịu bất kỳ nghĩa vụ tài sản nào, trừ trường hợp từ chối nhận di sản nhầm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản.

    Điều quan trọng cần lưu ý là người nhận thừa kế nhà đất chỉ thực hiện nghĩa vụ tài sản bằng chính tài sản thừa kế mà họ nhận được và chỉ thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi di sản mà họ nhận. Nói cách khác, họ không phải trả nợ của người đã khuất bằng tài sản cá nhân của mình. Việc thanh toán các khoản nợ và chi phí liên quan đến di sản sẽ được thực hiện bằng tài sản của người đã khuất. Nếu tổng giá trị các khoản nợ và chi phí lớn hơn giá trị tài sản thừa kế, phần còn lại sẽ là không. Khi đó, sẽ không còn tài sản để chia cho các người thừa kế.

    Người nhận thừa kế nhà đất có phải thực hiện nghĩa vụ gì không? (Hình ảnh từ internet)

    Người nhận thừa kế nhà đất có những quyền gì đối với nhà đất được thừa kế?

    Theo khoản 1 Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này và luật khác có liên quan.

    Ngoài ra, tại điểm c khoản 3 Điều 27 Luật Đất đai 2024 cũng quy định văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.

    Tại Điều 57 Luật Công chứng 2014 quy định:

    Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản
    1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
    Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
    4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

    Và Điều 58 Luật Công chứng 2014 cũng quy đinh về việc công chứng văn bản khai nhận di sản như sau:

    Công chứng văn bản khai nhận di sản
    1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

    Đồng thời, Điều 5 Luật Công chứng 2014 quy định về giá trị pháp lý của văn bản công chứng:

    Giá trị pháp lý của văn bản công chứng
    1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
    2. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
    3. Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
    ….

    Như vậy, văn bản thỏa thuận phân chia di sản, khai nhận di sản đã công chứng là một trong các căn cứ để được cấp Giấy chứng nhận hoặc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

    Căn cứ các quy định nêu trên, những người nhận thừa kế nhà đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

    13