Người lao động nước ngoài nào làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động?

Chuyên viên pháp lý Thư Viện Nhà Đất
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Người lao động nước ngoài nào làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động? Giấy phép lao động có thời hạn tối đa bao nhiêu năm?

Nội dung chính

    Người lao động nước ngoài nào làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động?

    Tại Điều 154 Bộ luật Lao động 2019 có quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động bao gồm:

    - Là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

    - Là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có giá trị góp vốn theo quy định của Chính phủ.

    - Là Trưởng văn phòng đại diện, dự án hoặc chịu trách nhiệm chính về hoạt động của tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam.

    - Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để thực hiện chào bán dịch vụ.

    - Vào Việt Nam với thời hạn dưới 03 tháng để xử lý sự cố, tình huống kỹ thuật, công nghệ phức tạp nảy sinh làm ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh mà các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài hiện đang ở Việt Nam không xử lý được.

    - Là luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam.

    - Trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    - Người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.

    - Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

    Người lao động nước ngoài nào làm việc tại Việt Nam không thuộc diện cấp giấy phép lao động?(Hình từ Internet)

    Giấy phép lao động có thời hạn tối đa bao nhiêu năm?

    Tại Điều 155 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về thời hạn của giấy phép lao động như sau:

    Thời hạn của giấy phép lao động
    Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 02 năm, trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.

    Như vậy, giấy phép lao động có thời hạn sử dụng tối đa 02 năm.

    Giấy phép lao động bị hết hiệu lực trong trường hợp nào?

    Tại Điều 156 Bộ luật Lao động 2019 có quy định giấy phép lao động hết hiệu lực trong các trường hợp sau:

    - Giấy phép lao động hết thời hạn.

    - Chấm dứt hợp đồng lao động.

    - Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.

    - Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.

    - Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.

    - Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

    - Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.

    - Giấy phép lao động bị thu hồi.

    Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là gì?

    Tại Điều 151 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam như sau:

    Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam
    1. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
    a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
    b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
    c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;
    d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.
    2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
    3. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

    Như vậy, điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là:

    - Là người có quốc tịch nước ngoài;

    - Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

    - Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

    - Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

    - Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

    20
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ