Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định như thế nào?
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định tại Khoản 5 Mục 3 Phần I Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:
a) Người bị kiện có quyền xem xét, nhờ một hoặc một số người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
b) Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện khi có yêu cầu của người bị kiện và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
b.1) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
b.2) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Khi nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người bị kiện phải lập giấy yêu cầu luật sư hoặc giấy yêu cầu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
c) Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
c.1) Luật sư phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật Luật sư 2006;
c.2) Công dân Việt Nam xuất trình giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện và giấy tờ tùy thân.
Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án vào số đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án sẽ thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
d) Trường hợp thuê luật sư, thuê người không phải là công chức Hải quan để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cơ quan Hải quan thì phải thực hiện bằng hợp đồng, trong đó quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan.
Kinh phí để thuê luật sư hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được lấy từ nguồn chi nghiệp vụ thường xuyên, theo chế độ quy định.
Trên đây là nội dung về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tham gia tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.