Mức trợ cấp một lần đối với quân nhân tham gia kháng chiến đã phục viên, xuất ngũ là bao nhiêu?
Nội dung chính
Mức trợ cấp một lần đối với quân nhân tham gia kháng chiến đã phục viên, xuất ngũ là bao nhiêu?
Theo quy định hiện hành thì thì quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ từ ngày 30/4/1975 trở về trước, có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hoặc chế độ bệnh binh hàng tháng, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã phục viên, xuất ngũ về địa phương;
- Đã chuyển ngành rồi thôi việc;
- Đã phục viên, xuất ngũ một thời gian rồi tiếp tục công tác (tái ngũ; làm việc ở cơ quan, đơn vị, tổ chức ngoài quân đội), sau đó lại phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, trường hợp quân nhân được hưởng chế độ theo quy định trên và thuộc trường hợp được trợ cấp hàng tháng thì chế độ trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân được thực hiện theo quy định tại Mục II Thông tư liên tịch 144/2008/BQP-BLĐTBXH-BTC và Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 110/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC, cụ thể như sau:
Đối tượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Mục I Thông tư liên tịch 144/2008/BQP-BLĐTBXH-BTC, có dưới 15 năm công tác trong quân đội; đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Mục I Thông tư này có dưới 20 năm công tác trong quân đội, sau đó công tác ở xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc, đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc chế độ hưu trí, hoặc hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP; hoặc những người có dưới 15 năm công tác trong quân đội, hiện đang công tác ở xã, phường, thị trấn hưởng lương từ ngân sách nhà nước có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP (mà không được tính thời gian công tác trong quân đội là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội), được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm công tác thực tế, cụ thể như sau:
a. Đối tượng có thời gian công tác thực tế trong quân đội từ đủ 2 năm trở xuống mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.000.000 đồng (hai triệu đồng).
b. Đối tượng có thời gian công tác thực tế trong quân đội trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 600.000 đồng.
Mức trợ cấp một lần được tính theo công thức sau:
Mức hưởng = 2.000.000 đồng + [(số năm được tính hưởng - 2 năm) x 600.000 đồng].
Ví dụ 5. Ông Trần Văn D, nhập ngũ tháng 3/1968, phục viên về địa phương tháng 2/1977.
Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Trần Văn D như sau:
Thời gian từ tháng 3/1968 đến tháng 2/1977 là 9 năm. Chế độ được hưởng là:
2.000.000 đồng + [(9 năm - 2 năm) x 600.000 đồng] = 6.200.000 đồng.
Ví dụ 6. Ông Trần Văn E, nhập ngũ tháng 5/1965, phục viên về địa phương tháng 8/1976.
Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Trần Văn E như sau:
Thời gian từ tháng 5/1965 đến tháng 8/1976 là 11 năm 4 tháng, được tính là 11,5 năm. Chế độ được hưởng là:
2.000.000 đồng + [(11,5 năm - 2 năm) x 600.000 đồng] = 7.700.000 đồng.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!