Luật Đất đai 2024 xóa bỏ sổ đỏ hộ gia đình thì có bắt buộc phải xin cấp lại sổ đỏ khác không?

Luật Đất đai 2024 xóa bỏ sổ đỏ hộ gia đình thì có bắt buộc phải xin cấp lại sổ đỏ khác không? Bán đất hộ gia đình mà không có sự đồng ý của các thành viên khác trong hộ được không?

Nội dung chính

    Luật Đất đai 2024 xóa bỏ sổ đỏ hộ gia đình thì có bắt buộc phải xin cấp lại sổ đỏ khác không? 

    Căn cứ Điều 4 Luật Đất đai 2024 quy định người sử dụng đất như sau:

    Người sử dụng đất
    Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
    1. Tổ chức trong nước gồm:
    a) Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, đơn vị vũ trang nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
    b) Tổ chức kinh tế theo quy định của Luật Đầu tư, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều này (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
    2. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc;
    3. Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân);
    4. Cộng đồng dân cư;
    5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
    6. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;
    7. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

    Theo khoản 4 Điều 256 Luật Đất đai 2024 quy định liên quan đến sổ đỏ hộ gia đình như sau:

    Giải quyết về hồ sơ địa chính, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận khi Luật này có hiệu lực thi hành
    ...
    4. Trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất.
    Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Như vậy, hộ gia đình không còn là đối tượng người được sử dụng đất theo Luật Đất đai 2024, vì vậy Nhà nước sẽ không còn cấp sổ đỏ hộ gia đình.

    Đối với sổ đỏ đã cấp cho đại diện hộ gia đình trước ngày 01/8/2024. Nếu các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì sẽ được cấp đổi sang sổ đỏ có ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất. Theo đó, nếu hộ gia đình đã được cấp sổ đỏ trước ngày 01 tháng 8 năm 2024 thì việc xin cấp lại sổ đỏ hộ gia đình khác là không bắt buộc.

    Luật Đất đai 2024 xóa bỏ sổ đỏ hộ gia đình thì có bắt buộc phải xin cấp lại sổ đỏ khác không?Luật Đất đai 2024 xóa bỏ sổ đỏ hộ gia đình thì có bắt buộc phải xin cấp lại sổ đỏ khác không? (Hình từ internet)

    Hộ gia đình sử dụng đất gồm những ai?

    Căn cứ tại khoản 25 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định về hộ gia đinh sử dụng đất như sau:

    Giải thích từ ngữ
    ...
    22. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập.
    23. Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai là hệ thống tổng hợp các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, dữ liệu được xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước để quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác thông tin đất đai.
    24. Hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất là chính sách của Nhà nước nhằm trợ giúp cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất để ổn định đời sống, sản xuất và phát triển ngoài các khoản đã bồi thường theo quy định của Luật này.
    25. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
    26. Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.
    27. Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.
    ...

    Như vậy, theo quy định của Luật Đất đai 2024 thì hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01/8/2024.

    Bán đất hộ gia đình mà không có sự đồng ý của các thành viên khác trong hộ có được không?

    Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên hộ gia đình nên hình thức sở hữu quyền sử dụng đất được xem là sở hữu chung hợp nhất. Vì quyền sử dụng đất này chưa được phân chia nên các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với thửa đất theo quy định tại khoản 2 Điều 210 Bộ luật Dân sự 2015.

    Tại khoản 2 Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

    Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 27 Luật Đất đai 2024 cũng quy định trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì các thành viên cùng nhau thực hiện hoặc ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

    Căn cứ vào các quy định trên thì khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ gia đình cần phải có sự thỏa thuận và đồng ý của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

    Như vậy, việc bán đất thuộc sở hữu hộ gia đình chỉ có thể thực hiện khi có sự đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, nếu đất thuộc sở hữu hộ gia đình mà tại thời điểm giao dịch chỉ có một người bán là thành viên duy nhất đã thành niên và có đủ năng lực hành vi dân sự, thì việc bán đất có thể tiến hành mà không cần sự đồng ý của các thành viên khác.

    18