Loại nhà đất nào được giữ lại tiếp tục sử dụng khi xử lý tài sản công?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Xuân An Giang
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Giữ lại tiếp tục sử dụng khi xử lý nhà đất là tài sản công nào? Nhà đất không được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng có được kiểm kê, xác định giá trị không?

Nội dung chính

Loại nhà đất nào được giữ lại tiếp tục sử dụng khi xử lý tài sản công?

Căn cứ Điều 10 Nghị định 03/2025/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 10. Giữ lại tiếp tục sử dụng
1. Việc giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng, mua sắm.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà, đất được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.

Như vậy, những nhà, đất đang được sử dụng đúng mục đích và đúng quy định pháp luật thì được giữ lại để tiếp tục sử dụng. Cụ thể:

- Được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

- Đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất hoặc chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản;

- Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất;

- Hoặc hình thành từ đầu tư xây dựng, mua sắm.

Chủ thể sử dụng phải quản lý, sử dụng nhà, đất này đúng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật đất đai và các pháp luật liên quan.

Loại nhà đất nào được giữ lại tiếp tục sử dụng khi xử lý tài sản công?

Loại nhà đất nào được giữ lại tiếp tục sử dụng khi xử lý tài sản công? (Hình từ Internet)

Nhà đất là tài sản công không được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng có được kiểm kê, xác định giá trị không?

Căn cứ khoản 3 Điều 54 Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 54. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản công khi chuyển mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp
[...]
2. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm:
a) Kiểm kê, phân loại tài sản đơn vị đang quản lý, sử dụng tại thời điểm có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền về việc chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị (bao gồm cả tài sản là quyền sử dụng đất, bằng phát minh, sáng chế,...);
b) Lập bảng kê xác định chủng loại, số lượng, chất lượng và giá trị của tài sản hiện có tại đơn vị; xác định tài sản thừa, thiếu so với sổ kế toán, phân tích rõ nguyên nhân thừa, thiếu và trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật;
c) Xây dựng phương án sử dụng nhà, đất sau khi chuyển đổi phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp được chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi là doanh nghiệp chuyển đổi) và phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở hoạt động sự nghiệp được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
3. Toàn bộ tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng phải chuyển đổi mô hình hoạt động đều được kiểm kê, xác định giá trị, trừ các tài sản sau đây:
a) Tài sản đơn vị thuê, mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận đại lý, nhận ký gửi, nhận góp vốn, liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân khác và các tài sản khác không phải của đơn vị;
b) Tài sản không cần dùng, tài sản tồn đọng, tài sản chờ thanh lý;
c) Cơ sở nhà, đất không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng.
[...]

Theo đó, đối với đơn vị sự nghiệp công lập phải chuyển đổi mô hình hoạt động, toàn bộ tài sản công của đơn vị đều phải được kiểm kê, xác định giá trị. Tuy nhiên, có ba trường hợp ngoại trừ, trong đó có “cơ sở nhà, đất không được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng.”

Như vậy, nhà đất là tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập không được phê duyệt phương án giữ lại tiếp tục sử dụng thì không thực hiện kiểm kê, xác định giá trị.

Tổ chức nào được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở?

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Nghị định 108/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng
[...]
3. Tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương (sau đây gọi là tổ chức quản lý, kinh doanh nhà) là tổ chức được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà, đất quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này, gồm:
a) Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác của địa phương được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà, đất hoặc phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất.
b) Doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà, đất (sau đây gọi là Công ty quản lý, kinh doanh nhà).

Như vậy, tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý, khai thác nhà đất là tài sản công không sử dụng để ở bao gồm:

- Đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp khác của địa phương.

- Doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nắm giữ 100% vốn điều lệ.

saved-content
unsaved-content
27