Lập hồ sơ nhà ở riêng lẻ đối với nhà ở tại nông thôn cần những giấy tờ như thế nào?

Chuyên viên pháp lý Lâm Ngọc Khánh Huyên
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Hồ sơ nhà ở là gì? Lập hồ sơ nhà ở riêng lẻ đối với nhà ở tại nông thôn cần những giấy tờ như thế nào?

Nội dung chính

    Hồ sơ nhà ở là gì?

    Hiện nay, pháp luật về nhà ở và các văn bản có liên quan khác không quy định về khái niệm "hồ sơ nhà ở".

    Tuy nhiên, có thể hiểu hồ sơ nhà ở là tập hợp các tài liệu, giấy tờ pháp lý liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng, và các thông tin pháp lý về một căn nhà. Hồ sơ này là cơ sở để xác định quyền lợi của chủ sở hữu và thực hiện các giao dịch như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, hoặc cho thuê nhà.

    Hồ sơ nhà ở có thể sẽ bao gồm những loại giấy tờ sau:

    - Giấy tờ pháp lý về quyền sở hữu bao gồm:

    + Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (hay còn gọi là Sổ đỏ, Sổ hồng).

    + Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho nhà đất: Chứng minh nguồn gốc pháp lý của nhà ở.

    + Quyết định giao đất, cho thuê đất, hoặc cấp quyền sở hữu nhà: Đối với tài sản được giao hoặc cấp bởi cơ quan nhà nước.

    - Giấy tờ kỹ thuật và xây dựng bao gồm:

    + Bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở.

    + Giấy phép xây dựng (nếu có).

    + Hồ sơ hoàn công.

    - Và các loại giấy tờ khác.


    Lập hồ sơ nhà ở riêng lẻ đối với nhà ở tại nông thôn cần những giấy tờ như thế nào? (Hình từ Internet)

    Lập hồ sơ nhà ở riêng lẻ đối với nhà ở tại nông thôn cần những giấy tờ như thế nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 119 Luật Nhà ở 2023 quy định đối với hồ sơ nhà ở riêng lẻ đối với nhà ở tại nông thôn sẽ cần những giấy tờ sau:

    - Đối với nhà ở tại nông thôn được tạo lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì phải có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở hoặc có bản kê khai thông tin về nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở;

    - Đối với nhà ở tại nông thôn được tạo lập kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì hồ sơ nhà ở bao gồm giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp nhà ở và bản vẽ thiết kế, bản vẽ sơ đồ nhà ở, đất ở (nếu có).

    Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của những ai?

    Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 120 Luật Nhà ở 2023 có quy định về việc lưu trữ, bàn giao và quản lý hồ sơ nhà ở như sau:

    Tổ chức, cá nhân lưu trữ hồ sơ nhà ở được quy định như sau:

    + Chủ sở hữu nhà ở hoặc người đang sử dụng nhà ở nếu chưa xác định được chủ sở hữu, tổ chức được giao quản lý nhà ở thuộc tài sản công có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở; đối với nhà chung cư thì việc bàn giao, lưu trữ, quản lý hồ sơ thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư;

    + Cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn;

    + Cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài và dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn.

    Theo đó, cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ nhà ở của hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trên địa bàn.

    Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cung cấp thông tin về nhà ở theo quy định cho cơ quan quản lý nhà ở cùng cấp để thiết lập hồ sơ nhà ở.

    Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định việc phối hợp cung cấp thông tin về nhà ở giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận và cơ quan quản lý nhà ở tại địa phương để bảo đảm thống nhất về các thông tin nhà ở, đất ở ghi trong hồ sơ nhà ở.

    18
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ