Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên của kiểm toán nhà nước ra sao?
Nội dung chính
Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên của kiểm toán nhà nước ra sao?
Lập dự toán, quản lý và quyết toán kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên của kiểm toán nhà nước được quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2019/TT-BTC hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí được trích để thực hiện chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, (có hiệu lực 10/05/2019), theo đó:
- Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; Kiểm toán nhà nước căn cứ vào tình hình thực hiện số tiền do cơ quan Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị đến thời điểm lập dự toán để dự kiến kinh phí được trích 5% của năm kế hoạch; xây dựng dự toán chi đối với phần kinh phí được trích của năm kế hoạch; tổng hợp chung trong dự toán thu, chi ngân sách của cơ quan, đơn vị, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền quyết định.
- Dự toán chi kinh phí được trích từ nguồn kinh phí 5% được ghi chú riêng trong dự toán thu, chi ngân sách hàng năm của Kiểm toán nhà nước.
- Xử lý chênh lệch giữa số kinh phí được trích và số đã bố trí dự toán: Căn cứ vào báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã được xác nhận, Bộ Tài chính sẽ xem xét giải quyết chênh lệch giữa số được trích trên số phát hiện và kiến nghị đã được xác nhận cao hơn hoặc thấp hơn số đã bố trí trong dự toán chi của Kiểm toán nhà nước như sau:
+ Trường hợp số tiền được trích trên số phát hiện và kiến nghị đã được xác nhận cao hơn số đã bố trí trong dự toán năm thì số thiếu sẽ được bố trí vào dự toán của năm sau năm thực hiện xác nhận (ví dụ năm 2018 thực hiện xác nhận cho số phát hiện và kiến nghị của năm 2015 và các năm trước năm 2015 thì số bố trí thiếu so với dự toán năm 2015 sẽ được bố trí trong dự toán của năm 2019). Trong trường hợp cần thiết Kiểm toán nhà nước có văn bản đề nghị bổ sung kinh phí được trích và lập dự toán chi tiết kèm theo văn bản xác nhận chứng từ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước để trình cấp có thẩm quyền bổ sung số kinh phí được trích theo quy định.
+ Trường hợp số tiền được trích trên số phát hiện và kiến nghị đã được xác nhận thấp hơn số đã bố trí trong dự toán năm thì số chênh lệch thừa sẽ được trừ vào số phải bố trí của năm sau năm thực hiện xác nhận.
- Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí nguồn kinh phí 5% thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành.