Lấn chiếm đất rừng bị xử phạt như thế nào?

Lấn chiếm đất rừng là gì? Lấn chiếm đất rừng có phải là hành vi cấm trong pháp luật đất đai? Lấn chiếm đất rừng bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Lấn chiếm đất rừng là gì?

    Căn cứ quy định tại khoản 9, 31 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định về hành vi lấn đất, chiếm đất như sau:

    - Lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

    - Chiếm đất là việc sử dụng đất do Nhà nước đã quản lý mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc sử dụng đất của người sử dụng đất hợp pháp khác mà chưa được người đó cho phép.

    Trong khi đó, khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định về đất lâm nghiệp có 03 loại đất rừng là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

    Tóm lại, có thể hiểu lấn chiếm đất rừng là hành vi lấn đất, chiếm đất đối với các loại đất rừng là đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

    Lấn chiếm đất rừng bị xử phạt như thế nào?

    Lấn chiếm đất rừng bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)

    Lấn chiếm đất rừng có phải là hành vi cấm trong pháp luật đất đai?

    Căn cứ vào Điều 11 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai
    1. Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.
    2. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai.
    3. Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
    4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
    5. Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.
    6. Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
    7. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
    8. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
    9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
    10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
    11. Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

    Như vậy, hành vi lấn chiếm đất rừng nói riêng và lấn chiếm đất nói chung là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.

    Lấn chiếm đất rừng bị xử phạt như thế nào?

    Theo quy định tại khoản 3, 6, 8 Điều 13 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về lấn đất hoặc chiếm đất như sau:

    Lấn đất hoặc chiếm đất
    ...
    3. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà thuộc địa giới hành chính của xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
    a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;
    b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
    c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
    d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
    đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
    e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên.
    ...
    6. Hành vi lấn đất hoặc chiếm đất thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn thì mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và mức phạt tối đa không quá 500.000.000 đồng đối với cá nhân, không quá 1.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
    ...
    8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
    a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất), trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 139 Luật Đất đai và điểm b khoản này;
    b) Buộc người được giao đất, cho thuê đất phải làm thủ tục để được bàn giao đất trên thực địa theo quy định đối với trường hợp theo quy định tại khoản 5 Điều này;
    c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    (1) Hành vi lấn chiếm đất rừng thuộc địa giới hành chính của xã

    Có hình thức và mức xử phạt như sau:

    - Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích dưới 0,02 héc ta;

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

    - Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

    - Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

    - Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

    - Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích từ 01 héc ta trở lên.

    (2) Hành vi lấn chiếm đất rừng thuộc địa giới hành chính của phường, thị trấn

    Mức xử phạt bằng 02 lần mức xử phạt đối với hành vi vi phạm tương ứng tại địa giới hành chính của xã.

    (3) Biện pháp khắc phục hậu quả

    Bên cạnh hình thức phạt tiền, người có hành vi lấn chiếm đất rừng có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như:

    - Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (bao gồm cả việc khôi phục lại ranh giới và mốc giới thửa đất), trừ trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thuộc trường hợp được tạm thời sử dụng đất cho đến khi Nhà nước thu hồi đất.

    - Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

    Lưu ý:

    Mức phạt tiền đề cập trên đây áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền theo thẩm quyền đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (khoản 4 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP)

    15