Kiểm dịch động vật và sản phẩm tạm nhập tái xuất được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Nội dung chính
Kiểm dịch động vật và sản phẩm tạm nhập tái xuất được thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế nào?
Căn cứ theo Điều 50 Luật Thú y 2015 được Quốc hội ban hành ngày 19/6/2015, quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam như sau:
- Tại cửa khẩu nhập, Cục Thú y thực hiện:
+ Kiểm tra hồ sơ kiểm dịch, thực trạng lô hàng.
+ Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
+ Niêm phong hoặc kẹp chì phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
+ Hướng dẫn chủ hàng và thực hiện các quy định vệ sinh thú y trong quá trình lưu giữ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên lãnh thổ Việt Nam; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển và nơi bốc dỡ hàng hóa.
+ Trong trường hợp động vật, sản phẩm động vật được vận chuyển bằng công-ten-nơ hoặc phương tiện đóng kín khác, nếu phát hiện phương tiện vận chuyển, dấu niêm phong, kẹp chì có biểu hiện bất thường, Cục Thú y yêu cầu chủ hàng mở công-ten-nơ, phương tiện vận chuyển để kiểm tra vệ sinh thú y với sự chứng kiến của cơ quan hải quan và chủ hàng.
- Chủ hàng khi vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất,
tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ các quy định sau đây:
+ Thực hiện hướng dẫn của Cục Thú y trong quá trình lưu giữ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên lãnh thổ Việt Nam; trường hợp cần thay đổi lộ trình vận chuyển hoặc thay đổi cửa khẩu thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Thú y.
+ Không tự ý bốc dỡ hàng, tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, trừ trường hợp cần thiết thì phải có sự chứng kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y; trong trường hợp cần thay đổi phương tiện vận chuyển thì phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Cục Thú y.
+ Không để động vật tiếp xúc với động vật trong nước; chỉ được phép thả động vật để cho ăn, uống hoặc trường hợp đặc biệt khác khi cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cho phép và giám sát.
+ Phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải trên đường đi. Xác động vật, chất thải, chất độn, thức ăn thừa của động vật, dụng cụ chứa đựng phát sinh trong quá trình vận chuyển phải được thu gom, xử lý tại địa điểm theo hướng dẫn của Cục Thú y.
- Tại cửa khẩu xuất, Cục Thú y thực hiện:
+ Kiểm tra Giấy chứng nhận kiểm dịch.
+ Kiểm tra dấu niêm phong hoặc kẹp chì phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
+ Nếu hàng hóa đúng với giấy chứng nhận kiểm dịch được cấp tại cửa khẩu nhập thì xác nhận để chủ hàng làm thủ tục xuất hàng ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
- Không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
+ Động vật, sản phẩm động vật đã đi qua quốc gia, vùng lãnh thổ đang có dịch bệnh động vật mẫn cảm với loài động vật đó.
+ Giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất khẩu không hợp lệ.
+ Động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh nguy hiểm theo quy định của pháp luật Việt Nam..