Khi xây dựng tầng hầm tại TP. Hồ Chí Minh mà gặp điều kiện địa chất bất thường so với thông tin trong hồ sơ khảo sát thì nhà thầu thi công cần xử lý thế nào?
Nội dung chính
Tầng hầm có phải là phần ngầm công trình xây dựng không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định 44/2016/QĐ-UBND, phần ngầm công trình xây dựng là tầng hầm, bán hầm và các bộ phận của công trình nằm dưới mặt đất.
Như vậy, tầng hầm được xem là phần ngầm của công trình xây dựng.
Khi xây dựng tầng hầm tại TP. Hồ Chí Minh mà gặp điều kiện địa chất bất thường so với thông tin trong hồ sơ khảo sát thì nhà thầu thi công cần xử lý thế nào? (Hình từ Internet)
Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường xây dựng sử dụng cho xây dựng tầng hầm bao gồm những nội dung nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định 44/2016/QĐ-UBND quy định về lập thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình như sau:
Lập thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình
...
2. Hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường xây dựng phải thể hiện đầy đủ hiện trạng địa chất, thủy văn, địa hình khu vực; các công trình liền kề, lân cận; các kết cấu công trình ngầm hiện hữu; các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm trong khu vực và phải có các nội dung sau:
a) Bản vẽ hiện trạng khu vực công trường;
b) Ảnh chụp hiện trạng công trình lân cận;
c) Đánh giá độ ổn định của các công trình hiện hữu lân cận có khả năng bị ảnh hưởng khi thi công;
d) Xác định các giá trị chuyển vị, biến dạng tối đa; tốc độ chuyển vị, biến dạng báo động của các công trình lân cận có khả năng bị ảnh hưởng.
...
Theo quy định trên, hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường xây dựng sử dụng cho xây dựng tầng hầm bao gồm:
- Bản vẽ hiện trạng khu vực công trường;
- Ảnh chụp hiện trạng công trình lân cận;
- Đánh giá độ ổn định của các công trình hiện hữu lân cận có khả năng bị ảnh hưởng khi thi công;
- Xác định các giá trị chuyển vị, biến dạng tối đa; tốc độ chuyển vị, biến dạng báo động của các công trình lân cận có khả năng bị ảnh hưởng.
Thiết kế thi công tầng hầm phải đảm bảo những điều kiện nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định 44/2016/QĐ-UBND quy định về lập thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình, thiết kế biện pháp thi công phần ngầm công trình cần phải đảm bào:
- Phù hợp điều kiện địa chất, thủy văn, độ sâu phần ngầm, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng và
- Có các nội dung sau:
+ Biện pháp đảm bảo an toàn lao động, an toàn cho cộng đồng;
+ Tính toán phạm vi ảnh hưởng (chiều rộng, chiều sâu) do biện pháp thi công phần ngầm gây ra ứng với các giai đoạn thi công. Việc tính toán phải căn cứ trên các tác động từ tất cả các hoạt động thi công được thực hiện, để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp (như khoan, đào đất, bơm hạ nước ngầm, rung chấn, tải trọng lớn...);
+ Kết quả khảo sát hiện trạng chất lượng các công trình liền kề và các công trình khác trong phạm vi ảnh hưởng;
+ Hệ thống quan trắc biến dạng công trình và công trình lân cận thuộc phạm vi ảnh hưởng để thực hiện quan trắc trong suốt quá trình thi công;
+ Quy trình thi công thử nghiệm, đánh giá tác động để có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng trước khi thực hiện thi công nếu sử dụng phương pháp rung để hạ hoặc rút cọc, cừ;
+ Phương án ứng phó sự cố sạt lở, lún nghiêng công trình lân cận;
+ Biện pháp xử lý rác, chất thải phát sinh trong quá trình thi công; quy trình đảm bảo vệ sinh trong và ngoài công trường xây dựng; biện pháp khôi phục hiện trạng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật công cộng bị ảnh hưởng.
Như vậy, thiết kế thi công tầng hầm phải đảm bảo phù hợp điều kiện địa chất, thủy văn, độ sâu phần ngầm, đảm bảo tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật liên quan, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng và có những nội dung như quy định nêu trên.
Chủ thầu chỉ được tiến hành thi công tầng hầm khi đảm bảo những điều kiện nào?
Căn cứ theo Điều 6 Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định 44/2016/QĐ-UBND, chủ thầu chỉ được tiến hành thi công phần ngầm công trình xây dựng khi đã đảm bảo các điều kiện sau:
- Đủ điều kiện khởi công xây dựng theo quy định.
- Có thiết kế biện pháp thi công được phê duyệt.
- Đã thực hiện các biện pháp an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho công trình lân cận.
- Có sơ đồ chỉ dẫn vị trí, độ sâu các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng và văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý các tuyến đó nếu thực hiện đào đất trong khu vực có các tuyến ngầm của hệ thống hạ tầng.
- Có bố trí nhân sự giám sát trong suốt quá trình thi công.
- Có văn bản nghiệm thu các điều kiện đảm bảo an toàn giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
Như vây, chủ thầu chỉ được tiến hành thi công tầng hầm khi đảm bảo đủ những điều kiện nêu trên.
Khi xây dựng tầng hầm mà gặp điều kiện địa chất bất thường so với thông tin trong hồ sơ khảo sát thì nhà thầu thi công cần xử lý thế nào?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 7 Quy định về đảm bảo an toàn công trình lân cận khi thi công phần ngầm công trình xây dựng trên địa bàn thành phố ban hành kèm theo Quyết định 44/2016/QĐ-UBND quy định về trách nhiệm của các bên tham gia xây dựng khi thi công phần ngầm công trình như sau:
Trách nhiệm của các bên tham gia xây dựng khi thi công phần ngầm công trình
...
2. Nhà thầu thi công tiến hành thi công phần ngầm công trình tuân thủ thiết kế biện pháp thi công được phê duyệt. Nếu phát hiện có cấu kiện, công trình ngầm hoặc điều kiện địa chất bất thường so với hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường, hoặc phát hiện có hiện tượng mất an toàn phải thông báo ngay cho chủ đầu tư, tư vấn giám sát để xử lý.
...
Theo đó, nếu trong quá trình xây dựng tầng hầm mà nhà thầu thi công phát hiện điều kiện địa chất bất thường so với thông tin trong hồ sơ khảo sát hiện trạng công trường thì không được tự ý đưa ra các phương án xử lý, cần phải phải thông báo ngay cho chủ đầu tư, tư vấn giám sát để xử lý.