Khi mua bán nhà ở xã hội bắt buộc lập hợp đồng không?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Mai Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Khi mua bán nhà ở xã hội bắt buộc lập hợp đồng không? Mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai cần đáp ứng điều kiện gì?

Nội dung chính

    Khi mua bán nhà ở xã hội bắt buộc lập hợp đồng không?

    Căn cứ theo điểm b khoản 1 Điều 89 Luật Nhà ở 2023 quy định việc mua bán nhà ở xã hội cụ thể như sau:

    Điều 89. Bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội
    1. Việc bán nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định sau đây:
    a) Việc bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 3 Điều 88 của Luật này; việc bán nhà ở xã hội có sẵn chỉ được thực hiện khi bảo đảm quy định tại khoản 4 Điều 88 của Luật này;
    b) Việc mua bán nhà ở xã hội phải được lập thành hợp đồng có các nội dung quy định tại Điều 163 của Luật này;
    c) Việc ứng tiền trước của người mua nhà ở xã hội được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở, phù hợp với tỷ lệ hoàn thành xây dựng công trình nhà ở và tiến độ thực hiện dự án đã được phê duyệt nhưng số tiền ứng trước lần đầu không vượt quá 30% giá trị hợp đồng bao gồm cả tiền đặt cọc (nếu có), tổng số tiền các lần thanh toán không được vượt quá 70% giá trị hợp đồng đến trước khi bàn giao nhà ở cho người mua và không được vượt quá 95% giá trị hợp đồng đến trước khi người mua nhà được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó;
    d) Bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 05 năm, kể từ ngày thanh toán đủ tiền mua nhà ở, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

    Theo đó, căn cứ theo Điều 163 Luật Nhà ở 2023 quy định hợp đồng mua bán nhà ở xã hội phải được lập thành văn bản bao gồm những nội dung cụ thể như sau:

    (1) Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên.

    (2) Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó.

    Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; thời hạn sử dụng nhà chung cư theo hồ sơ thiết kế; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt; giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư trong trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu; trách nhiệm đóng, mức đóng kinh phí bảo trì và thông tin tài khoản nộp kinh phí bảo trì.

    (3) Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp cho thuê nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó.

    (4) Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp cho thuê nhà ở;.

    (5) Thời gian giao nhận nhà ở; thời hạn cho cho thuê, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn.

    (6) Quyền và nghĩa vụ của các bên.

    (7) Cam kết của các bên.

    (8) Thỏa thuận khác

    (9) Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

    (10) Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng.

    (11) Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.

    Như vậy, khi mua bán nhà ở xã hội bắt buộc phải lập thành hợp đồng bao gồm 11 nội dung nêu trên.

    Khi mua bán nhà ở xã hội bắt buộc lập hợp đồng không?

    Khi mua bán nhà ở xã hội bắt buộc lập hợp đồng không? (Hình từ Internet)

    Mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai cần đáp ứng điều kiện gì?

    Căn cứ theo khoản 1,2,3 Điều 88 Luật Nhà ở 2023 về điều kiện mua bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai như sau:

    - Việc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội phải đúng quy định của Luật Nhà ở 2023.

    - Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được lựa chọn hình thức bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở có sẵn. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khi bán, cho thuê mua nhà ở không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai và không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

    - Việc bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

    + Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở, có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt và có giấy phép xây dựng nếu thuộc trường hợp phải có giấy phép xây dựng;

    + Đã hoàn thành việc xây dựng phần móng của nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp nước, thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng của khu vực nhà ở được bán, cho thuê mua theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; đã giải chấp đối với trường hợp chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có thế chấp nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý không phải giải chấp;

    + Đã có văn bản thông báo của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua, trừ nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng vốn đầu tư công.

    Nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội mới nhất

    Căn cứ theo Điều 79 Luật Nhà ở 2023 quy định về các nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội như sau:

    - Việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

    + Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở;

    + Có sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, dòng họ và đối tượng được hỗ trợ trong việc thực hiện chính sách;

    + Bảo đảm công khai, minh bạch, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng dân cư và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    + Bảo đảm đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định Luật Nhà ở 2023;

    + Trường hợp một đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì được hưởng một chính sách hỗ trợ mức cao nhất; trường hợp các đối tượng có cùng tiêu chuẩn và điều kiện thì thực hiện hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên trước đối với: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, người khuyết tật, người được bố trí tái định cư theo hình thức mua, thuê mua nhà ở xã hội, nữ giới;

    + Trường hợp hộ gia đình có nhiều đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ thì chỉ áp dụng một chính sách hỗ trợ cho cả hộ gia đình.

    - Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trên địa bàn.

    - Quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Nhà ở 2023 không áp dụng cho việc phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, việc phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, cá nhân tự xây dựng hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở, trừ trường hợp các mục 3, 4 và 5 Chương này có quy định dẫn chiếu áp dụng quy định tại Mục 2 Chương VI Luật Nhà ở 2023.

    saved-content
    unsaved-content
    27