Khi chuyển vụ án dân sự cho Tòa án khác, Tòa án ban đầu có phải xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý không?

Chuyển vụ án dân sự cho Tòa án khác có phải xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý không? Nhập hoặc tách vụ án dân sự theo quy định hiện hành?

Nội dung chính

    Chuyển vụ án dân sự cho Tòa án khác có phải xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý không?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 41 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về chuyển vụ việc dân sự cho Tòa án khác; giải quyết tranh chấp về thẩm quyền như sau:

    1. Vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý. Quyết định này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị quyết định này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ việc dân sự phải giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Quyết định của Chánh án Tòa án là quyết định cuối cùng.

    2. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết.

    3. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau hoặc giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao thì do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao giải quyết.

    4. Tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác nhau hoặc giữa các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết theo lãnh thổ của các Tòa án nhân dân cấp cao khác nhau do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết.

    Do đó, nguyên tắc vụ việc dân sự đã được thụ lý mà không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã thụ lý thì Tòa án đó ra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc dân sự cho Tòa án có thẩm quyền và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý. Trở lại với tình huống mà bạn đưa ra khi bạn nộp đơn đến tòa không có thẩm quyền. Như vậy, nếu Tòa án huyện chuyển vụ án dân sự cho Tòa án tỉnh phải xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý của tòa huyện trước đó. 

    Khi chuyển vụ án dân sự cho Tòa án khác, Tòa án ban đầu có phải xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý không? (Hình từ internet)

    Nhập hoặc tách vụ án dân sự theo quy định hiện hành?

    Căn cứ Điều 42 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về nội dung trên như sau:

    Nhập hoặc tách vụ án

    1. Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

    Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

    2. Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

    3. Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

    Trên đây là quy định về Nhập hoặc tách vụ án dân sự theo pháp luật hiện hành.

    Trân trọng!

    12