Khi bắt được bò nhưng không biết của ai, người bắt được cần thực hiện những bước nào?
Nội dung chính
Khi bắt được bò nhưng không biết của ai, người bắt được cần thực hiện những bước nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì gia súc là một trong những loại thuộc giống vật nuôi, mà giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; giống vật nuôi phải có số lượng nhất định để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau. Quy định này dù không nói rõ nhưng ta có thể hiểu con bò là gia súc bạn nhé.
Tuy nhiên, để khẳng định hơn về vấn đề trên thì tại Khoản 6 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2020) có định nghĩa rõ hơn về gia súc như sau:
Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.
=> Từ đây có thể khẳng định chắc chắn rằng con bò trong trường hợp mà bạn nêu là gia súc theo quy định của pháp luật.
Theo đó, tại Điều 231 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về việc giải quyết khi bắt được bò bị thất lạc như sau:
- Khi bạn bắt được bò bị thất lạc thì phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu của bò bị thất lạc biết mà nhận lại. Nếu sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với bò thả rông theo tập quán mà không có ai đến nhận lại thì quyền sở hữu đối với con bò này và số bò con được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về bạn.
- Trường hợp chủ sở hữu nhận lại con bò này thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho bạn. Trong thời gian nuôi giữ con bò bị thất lạc, nếu nó có sinh con thì bạn được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và bạn phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết con bò này.
Trên đây là nội dung giải đáp về việc giải quyết khi bắt được bò đi lạc.
Trân trọng!