Trưng dụng đất và thu hồi đất đều dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất?
Nội dung chính
Trưng dụng đất và thu hồi đất đều dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất?
(1) Trưng dụng đất có dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất?
* Trưng dụng đất là gì?
Hiện nay, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thế nào là trựng dụng đất. Tuy nhiên căn cứ vào khoản 1 Điều 90 Luật Đất đai 2024, ta có thể đưa ra khái niệm trưng dụng đất như sau:
Trưng dụng đất
1. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.
....
6. Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất trưng dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoàn trả đất khi hết thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.
Trưng dụng đất là một biện pháp tạm thời được áp dụng
bởi các cơ quan nhà nước hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai. Đây là việc Nhà nước tạm thời sử dụng quyền đối với đất đai thuộc sở hữu của người sử dụng đất nhằm phục vụ cho một mục đích cụ thể nào đó, thường là để đáp ứng các nhu cầu cấp bách hoặc đặc biệt, như đảm bảo an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh hoặc các tình huống khẩn cấp khác. Việc trưng dụng đất chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, và người sử dụng đất có trách nhiệm tuân thủ, đồng thời được đảm bảo các quyền lợi hợp pháp theo quy định pháp luật.
* Trưng dụng đất có dẫn đến chấm dứt quyền sử dụng đất?
Căn cứ Điều 90 Luật đất đai 2024, có thể thấy trưng dụng đất là việc Nhà nước tạm thời lấy đất của người sử dụng đất để sử dụng một công việc nào đó, khi hết trưng dụng thì hoàn trả lại đất. Do đó, không làm chấm dứt quyền sử dụng đất.
(2) Thu hồi đất có dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại khoản 35 Điều 3 Luật Đất đai 2024:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
35. Nhà nước thu hồi đất là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người sử dụng đất hoặc thu lại đất của người đang sử dụng đất hoặc thu lại đất đang được Nhà nước giao quản lý.
Nhà nước thu hồi đất là một biện pháp quản lý quan trọng nhằm điều chỉnh và tái phân bổ quyền sử dụng đất, được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đây là quá trình mà Nhà nước, thông qua quyết định hành chính, thu lại quyền sử dụng đất đã cấp cho người sử dụng đất, hoặc lấy lại đất đang được các tổ chức, cá nhân sử dụng, cũng như đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Việc thu hồi đất thường phục vụ cho các mục đích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, hoặc xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật.
Như vậy, chỉ có thu hồi đất mới dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất, còn trưng dụng đất chỉ mang tính chất tạm thời, sau thời hạn trưng dụng sẽ trả quyền sử dụng đất lại cho người sử dụng đất.
Trưng dụng đất và thu hồi đất đều dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất của người sử dụng đất? (Hình từ Internet)
Ai là người có thẩm quyền trưng dụng đất?
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 90 Luật Đất đai 2024, những người có thẩm quyền trưng dụng đất là:
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
- Bộ trưởng Bộ Công an;
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Bộ trưởng Bộ Công Thương;
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Thời hạn trưng dụng đất là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 90 Luật Đất đai 2024, thời hạn trưng dụng đất là:
Trưng dụng đất
...
4. Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có đất trưng dụng, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.
Trường hợp trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Như vậy, thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành. Trường hợp hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày.
Trường hợp trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.