Khai gian tuổi khi vi phạm giao thông có sao không? Nộp phạt tiền vi phạm giao thông cho cảnh sát có phải ký biên bản vi phạm?

Khai gian tuổi khi vi phạm giao thông có sao không? Nộp phạt tiền vi phạm giao thông cho cảnh sát có phải ký biên bản vi phạm không? Phạt hành chính vi phạm giao thông có phân biệt khu vực nội, ngoại thành không?

Nội dung chính

    Khai gian tuổi khi vi phạm giao thông có sao không?

    Cho em hỏi ngày 20/3/2021 em có điều khiển xe winner 150 bị CSGT bắt và em khai gian sinh năm 2002 mà em sinh năm 2004 thì có bị sao không ạ?

    Trả lời:

    Khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

    - Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

    Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

    ...

    Căn cứ quy định trên, bạn sinh năm 2004 do đó, chưa đủ tuổi mà điều khiển xe máy có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên. Nên sẽ bị phạt tiền theo quy định sau:

    Điểm a Khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên.

    Bên cạnh đó, việc khai gian độ tuổi của mình là một trong những hành vi tăng nặng (Điểm k Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012). Cho nên, mức tiền phạt của bạn có thể tăng lên nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt (Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012).

    Bạn căn cứ quy định trên để thực hiện đúng.

    Nộp phạt tiền vi phạm giao thông cho cảnh sát có phải ký biên bản vi phạm không?

    Ban biên tập cho tôi hỏi, đối với những trường hợp vi phạm hành chính, cá nhân tổ chức vi phạm có thể nộp phạt trực tiếp. Vậy Ban biên tập cho tôi hỏi, đối với trường hợp vi phạm giao thông cảnh sát xử phạt tại chỗ họ có phải lập biên bản vi phạm không?

    Trả lời:

    Theo quy định tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, có quy định:

    - Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.

    Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

    - Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt.

    Như vậy, theo quy định trên thì người vi phạm hành chính có thể được nộp phạt tại chỗ khi bị áp dụng mức xử phạt 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức, những trường hợp này không phải lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vi phạm giao thông cũng không ngoại lệ, và nếu vi phạm giao thông được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ thì bắt buộc phải lập biên bản vi phạm hành chính.

    Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

    Phạt hành chính vi phạm giao thông có phân biệt khu vực nội, ngoại thành không?

    Cho tôi hỏi ở các tp lớn như Hà Nội, Sài Gòn có khu vực nội thành, ngoại thành. Vậy khi tham gia giao thông bị phạt đối với cùng 1 hành vi ở từng khu vực có khác nhau không? Mong giải đáp giúp tôi.

    Trả lời:

    Theo quy định tại Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 về mức phạt tiền thì:

    1. Mức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính từ 50.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật này.

    Đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội.

     ....................................

    3. Căn cứ vào hành vi, khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt được quy định tại nghị định của Chính phủ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương, Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương có quyền quyết định khung tiền phạt hoặc mức tiền phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không vượt quá mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này.

    Như vậy, đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung đối với hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

    Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào khung tiền phạt và mức tiền phạt tại Nghị định của Chính phủ, yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương có thể quyết định khung tiền và mức phạt cao hơn nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm.

    Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn.

    Trân trọng!

    273