Khách tới chơi nhà có cần phải đăng ký tạm trú không? Ai có trách nhiệm thông báo lưu trú cho khách ở lại?

Khách tới chơi nhà có cần phải đăng ký tạm trú không? Ai có trách nhiệm thông báo lưu trú cho khách ở lại? Nếu không phải đăng ký tạm trú thì có cần thực hiện thủ tục nào không?

Nội dung chính

    Khách tới chơi nhà có cần phải đăng ký tạm trú không?

    Căn cứ vào Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:

    Điều kiện đăng ký tạm trú
    1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.
    2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần
    3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.

    Theo quy định trên thì việc đăng ký tạm trú được xác định dựa trên thời gian người đó ở lại. Cụ thể, nếu khách đến ở lại tại nhà từ 30 ngày trở lên, thì chủ nhà có trách nhiệm thực hiện đăng ký tạm trú cho khách tại cơ quan có thẩm quyền.

    Ngược lại, trong trường hợp khách chỉ đến chơi và ở lại trong khoảng thời gian dưới 30 ngày sẽ không cần phải đăng ký tạm trú. Đây là một quy định nhằm quản lý tình hình cư trú, đảm bảo an ninh trật tự cũng như tạo điều kiện cho việc kiểm soát dân cư tại địa phương.

    Như vậy, điểm cần lưu ý về đăng ký tạm trú đó là thời gian người đó ở lại. Nếu thời gian dưới 30 ngày thì chủ nhà không cần phải thực hiện đăng ký tạm trú. Ngoài ra, nếu có kế hoạch cho khách ở lại lâu hơn 30 ngày, thì chủ nhà nên chuẩn bị các thông tin cần thiết để đảm bảo thực hiện việc đăng ký tạm trú đúng thời hạn.

    Có cần phải đăng ký tạm trú với trường hợp khách ở chơi tầm nửa tháng không? (Hình ảnh từ Internet)

    Nếu không phải đăng ký tạm trú thì có cần thực hiện thủ tục nào không?

    Mặc dù không cần đăng ký tạm trú cho khách ở lại nhà nếu thời gian ở dưới 30 ngày nhưng theo quy định tại khoản 6 Điều 2 của Luật Cư trú 2020 thì chủ nhà vẫn có trách nhiệm phải thông báo lưu trú. Theo đó, lưu trú được định nghĩa là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.

    Theo đó, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 30 Luật Cư trú 2020 thì:

    Thông báo lưu trú
    1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

    Như vậy, khi có khách đến chơi và ở lại dưới 30 ngày, dù không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú chủ nhà vẫn phải thực hiện thông báo lưu trú theo đúng quy định. Chủ nhà cần nắm rõ quy định này và thực hiện đúng để tránh các rắc rối khác. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho việc quản lý dân cư của các cơ quan địa phương trở nên tốt hơn, đảm bảo an toàn cho cả gia đình và khách lưu trú.

    Ai có trách nhiệm thông báo lưu trú cho khách ở lại?

    Căn cứ tại Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định cụ thể về thủ tục thông báo lưu trú theo giúp người dân thực hiện dễ dàng.

    Thông báo lưu trú
    1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
    2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
    3. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
    4. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
    5. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

    Như vậy, theo quy định trên thì khi có khách đến chơi và ở lại tại nhà, thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm đi thông báo việc lưu trú với công an xã, phường, thị trấn. Đây là một nghĩa vụ pháp lý nhằm đảm bảo quản lý dân cư và an ninh trật tự trong khu vực. Trường hợp thành viên trong gia đình có mặt, họ sẽ là người thực hiện thông báo lưu trú. Tuy nhiên, nếu trường hợp khách đến ở lại nhưng mà không có ai trong gia đình ở nhà thì chính khách phải là người trực tiếp đi thông báo lưu trú với công an xã, phường, thị trấn về việc lưu trú. Điều này nhấn mạnh trách nhiệm của cả chủ nhà và khách đối với quy định pháp luật.

    Việc thông báo lưu trú có thể thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Như vậy chủ nhà hoặc khách có thể trực tiếp đến trụ sở công an xã, phường để thực hiện thông báo. Hoặc để thuận tiện hơn, việc thông báo cũng có thể thực hiện thông qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác được quy định bởi Bộ trưởng Bộ Công an. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả hai bên khi tiến hành thực hiện thông báo lưu trú.

    Như vậy, việc thông báo lưu trú không chỉ là một nghĩa vụ pháp lý mà còn là một phần quan trọng trong việc duy trì an ninh và trật tự tại địa phương. Quy định về thông báo lưu trú nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giúp cơ quan chức năng nắm bắt tình hình cư trú tại địa phương, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý an ninh trật tự.

    23