Hoá đơn điện tử không bắt buộc phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua trong trường hợp nào?

Trường hợp nào hoá đơn điện tử không bắt buộc phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua? Hành vi nào bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ?

Nội dung chính

    Hoá đơn điện tử không bắt buộc phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua trong trường hợp nào?

    Tại điểm c, điểm d, điểm đ và điểm h khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định những trường hợp hoá đơn điện tử không bắt buộc phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua bao gồm:

    - Đối với hoá đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh

    - Đối với hoá đơn điện tử bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh

    - Đối với hóa đơn điện tử là tem, vé, thẻ

    - Đối với chứng từ điện tử dịch vụ vận tải hàng không xuất qua website và hệ thống thương mại điện tử được lập theo thông lệ quốc tế cho người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có mã số thuế, địa chỉ người mua.

    - Hóa đơn sử dụng cho thanh toán Interline giữa các hãng hàng không được lập theo quy định của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế.

    Trường hợp nào hoá đơn điện tử không bắt buộc phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua? (Hình ảnh từ Internet)

    Hành vi nào bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ?

    Tại Điều 5 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hành vi bị cấm trong lĩnh vực hóa đơn, chứng từ như sau:

    Đối với công chức thuế

    - Gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân đến mua hóa đơn, chứng từ;

    - Có hành vi bao che, thông đồng cho tổ chức, cá nhân để sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp;

    - Nhận hối lộ khi thanh tra, kiểm tra về hóa đơn.

    Đối với tổ chức, cá nhân bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan

    - Thực hiện hành vi gian dối như sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn;

    - Cản trở công chức thuế thi hành công vụ, cụ thể các hành vi cản trở gây tổn hại sức khỏe, nhân phẩm của công chức thuế khi đang thanh tra, kiểm tra về hóa đơn, chứng từ;

    - Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về hóa đơn, chứng từ;

    - Đưa hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác liên quan hóa đơn, chứng từ nhằm mưu lợi bất chính.

    Được viết tắt, viết không dấu một số thông tin của người mua trong trường hợp nào?

    Tại khoản 5 và khoản 13 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về nội dung của hóa đơn như sau:

    Nội dung của hóa đơn

    ...

    5. Tên, địa chỉ, mã số thuế người mua

     

    a) Trường hợp người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế thì tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua thể hiện trên hóa đơn phải ghi theo đúng tại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.

    Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

    ...

    13. Chữ viết, chữ số và đồng tiền thể hiện trên hóa đơn

    a) Chữ viết hiển thị trên hóa đơn là tiếng Việt. Trường hợp cần ghi thêm chữ nước ngoài thì chữ nước ngoài được đặt bên phải trong ngoặc đơn ( ) hoặc đặt ngay dưới dòng tiếng Việt và có cỡ chữ nhỏ hơn chữ tiếng Việt. Trường hợp chữ trên hóa đơn là chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.

    ...

    Như vậy, có thể viết tắt, viết không dấu một số thông tin của người mua như sau:

    - Có thể được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng nếu địa chỉ của người mua quá dài như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN".

    - Có thể được viết tắt một số danh từ thông dụng như: "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"…

    - Sử dụng chữ tiếng Việt không dấu thì các chữ viết không dấu trên hóa đơn phải đảm bảo không dẫn tới cách hiểu sai lệch nội dung của hóa đơn.

    3