Hành vi không sử dụng đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục sẽ bị phạt hành chính như thế nào?
Nội dung chính
Không sử dụng đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục có bị thu hồi đất không?
Căn cứ vào khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai 2024, quy định về các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai như sau:
Các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai
1. Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm.
2. Người sử dụng đất hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.
3. Đất được giao, cho thuê không đúng đối tượng hoặc không đúng thẩm quyền.
4. Đất do nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho từ người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà người được giao đất, cho thuê đất không được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của Luật này.
5. Đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất.
6. Người sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
7. Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản không được sử dụng trong thời gian 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm không được sử dụng trong thời gian 18 tháng liên tục, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
...
Như vậy, đất trồng rừng không được sử dụng trong thời gian 24 tháng liên tục và đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà không đưa đất vào sử dụng theo thời hạn ghi trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì mới bị thu hồi đất
Hành vi không sử dụng đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục sẽ bị phạt hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Hành vi không sử dụng đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục sẽ bị phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 24 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục
1. Hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản trong thời hạn 12 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
2. Hành vi không sử dụng đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
3. Hành vi không sử dụng đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc người sử dụng đất phải đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 60 ngày đối với hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2; thời hạn 90 ngày đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
Như vậy, hành vi không sử dụng đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục thì hình thức và mức xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất dưới 0,5 héc ta;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với diện tích đất từ 01 héc ta trở lên.
Lưu ý: Mức xử phạt trên đối với cá nhân, mức xử phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức xử phạt đối với cá nhân (khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP).
Đất lâm nghiệp được hiểu như thế nào?
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định như sau:
Quy định chi tiết loại đất trong nhóm đất nông nghiệp
1. Đất trồng cây hằng năm là đất trồng các loại cây được gieo trồng, cho thu hoạch và kết thúc chu kỳ sản xuất trong thời gian không quá một năm, kể cả cây hằng năm được lưu gốc. Đất trồng cây hằng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác, cụ thể như sau:
a) Đất trồng lúa là đất trồng từ một vụ lúa trở lên hoặc trồng lúa kết hợp với các mục đích sử dụng đất khác được pháp luật cho phép nhưng trồng lúa là chính. Đất trồng lúa bao gồm đất chuyên trồng lúa và đất trồng lúa còn lại, trong đó đất chuyên trồng lúa là đất trồng từ 02 vụ lúa trở lên;
b) Đất trồng cây hằng năm khác là đất trồng các cây hằng năm không phải là trồng lúa.
2. Đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được gieo trồng một lần, sinh trưởng trong nhiều năm và cho thu hoạch một hoặc nhiều lần.
3. Đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, được phân loại cụ thể như sau:
a) Đất rừng đặc dụng là đất mà trên đó có rừng đặc dụng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng đặc dụng;
b) Đất rừng phòng hộ là đất mà trên đó có rừng phòng hộ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao để phát triển rừng phòng hộ;
c) Đất rừng sản xuất là đất mà trên đó có rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất đã được giao, cho thuê, chuyển mục đích để phát triển rừng sản xuất.
...
Như vậy, đất lâm nghiệp là loại đất sử dụng vào mục đích quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.