Hành vi phân biệt đối xử giới tính khi sử dụng đất được pháp luật quy định như thế nào?
Nội dung chính
Giới được hiểu như thế nào?
Tại khoản 1 và khoản 3 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
Cũng theo đó pháp luật quy định về việc bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Phân biệt đối xử về giới là gì?
Theo khoản 5 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
5. Phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
...
Như vậy, phân biệt đối xử về giới là việc hạn chế, loại trừ, không công nhận hoặc không coi trọng vai trò, vị trí của nam và nữ, gây bất bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Hành vi phân biệt đối xử giới tính khi sử dụng đất đai được pháp luật mới nhất quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Có được phân biệt đối xử về giới tính khi quản lý, sử dụng đất đai không?
Căn cứ Điều 11 Luật Đất đai 2024 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai như sau:
Hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai
1. Lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất.
2. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai.
3. Vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai.
5. Không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác, không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật.
6. Không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
7. Không thực hiện đúng quy định của pháp luật khi thực hiện quyền của người sử dụng đất.
8. Sử dụng đất, thực hiện giao dịch về quyền sử dụng đất mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
9. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
10. Cản trở, gây khó khăn đối với việc sử dụng đất, việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
11. Phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.
Như vậy, theo quy định trên hành vi phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai là hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai.
Lâu nay, việc quản lý, sử dụng đất trong lĩnh vực đất đai chưa chú trọng trong vấn đề lồng ghép bình đẳng giới. Do vậy tới đây, việc bổ sung quy định cấm phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai là một trong những quy định được rất nhiều người quan tâm khi ban hành Luật Đất đai 2024.
Tài sản chung của vợ và chồng là quyền sử dụng đất, tuy nhiên chỉ được chồng đứng tên có đúng không?
Căn cứ khoản 4 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định về nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
...
4. Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp vợ và chồng có thỏa thuận ghi tên một người để đứng tên làm đại diện cho vợ và chồng.
Trường hợp quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng thì được cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng nếu có yêu cầu.
...
Theo quy định nêu trên, quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì phải ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận ghi tên một người đứng tên làm đại diện cho vợ hoặc chồng.
Như vậy, việc chỉ ghi tên chồng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng là hợp pháp nếu có thỏa thuận trước, nếu không, cần phải cấp đổi lại theo quy định.