Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng theo Nghị định 123
Nội dung chính
Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng theo Nghị định 123
Căn cứ theo Điều 15 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác cụ thể như sau:
(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng
- Đối với hành vi đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất thuộc quyền sử dụng của người khác hoặc thửa đất thuộc quyền sử dụng của mình mà cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác.
(2) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
- Đối với hành vi đào bới, xây tường, làm hàng rào trên đất thuộc quyền sử dụng của mình hoặc của người khác mà cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác.
(3) Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Lưu ý:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2024/NĐ-CP thì mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
Như vậy, hành vi cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Còn đối với tổ chức sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo quy định nêu trên.
Cản trở, gây khó khăn cho việc sử dụng đất của người khác có thể bị phạt lên đến 20 triệu đồng theo Nghị định 123 (Hình từ Internet)
Xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo Điều 7 Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định xác định diện tích đất vi phạm và tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm cụ thể như sau:
(1) Xác định diện tích đất vi phạm
- Trường hợp vi phạm toàn bộ diện tích thửa đất mà đã có bản đồ địa chính thì xác định theo bản đồ địa chính; trường hợp diện tích vi phạm không có bản đồ địa chính nhưng có bản đồ khác đã, đang sử dụng trong quản lý đất đai tại địa phương thì sử dụng bản đồ đó để xác định.
- Trường hợp diện tích đất vi phạm ở những nơi chưa có bản đồ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2024/NĐ-CP hoặc vi phạm một phần diện tích thửa đất thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác định phạm vi, ranh giới, mốc giới để xác định diện tích đất vi phạm và ghi vào biên bản vi phạm hành chính.
+ Trường hợp diện tích đất vi phạm không thể đo đạc bằng phương pháp thủ công thì được thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm.
+ Trường hợp người có hành vi vi phạm không đồng ý với kết quả đo đạc do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính xác định thì được quyền thuê đơn vị có chức năng đo đạc xác định lại diện tích đất vi phạm.
+ Chi phí thuê đơn vị tư vấn có chức năng đo đạc để xác định diện tích đất vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2024/NĐ-CP do người vi phạm chi trả.
(2) Xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
- Được xác định theo người sử dụng đất, loại đất quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 và theo hiện trạng sử dụng đất trước khi vi phạm (địa hình, địa vật, công trình trên đất) và được ghi nhận tại biên bản vi phạm hành chính.
- Việc xác định tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu có thể hiện tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
+ Trường hợp không có hồ sơ, tài liệu thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính có trách nhiệm xác minh tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trên cơ sở ý kiến trình bày của người vi phạm và ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Xử lý tài sản trên đất, giá trị tài sản còn lại của người có đất thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai ra sao?
Căn cứ theo khoản 7 Điều 32 Nghị định 102/2024/NĐ-CP quy định xử lý tài sản trên đất, giá trị tài sản còn lại của người có đất thu hồi do vi phạm pháp luật đất đai như sau:
- Trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 6 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì số tiền sử dụng đất thu được từ bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (nếu có) sau khi trừ đi các chi phí cưỡng chế, tổ chức đấu giá theo quy định được nộp ngân sách nhà nước để thanh toán nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, số tiền còn lại được hoàn trả cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi;
- Trường hợp thu hồi đất theo quy định tại khoản 7 Điều 81 Luật Đất đai 2024 thì trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất theo quy định, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thu hồi được thực hiện bán tài sản theo quy định của pháp luật.
+ Khi hết thời hạn nêu trên, người sử dụng đất thu hồi không thực hiện được việc bán tài sản của mình gắn liền với đất thì Nhà nước không bồi thường đối với tài sản gắn liền với đất.
+ Chủ sở hữu tài sản phải tự tháo dỡ tài sản trả lại mặt bằng cho Nhà nước theo thời hạn ghi trong quyết định thu hồi đất, trường hợp không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cưỡng chế thu hồi đất theo quy định.
- Trường hợp nhà đầu tư mua lại tài sản gắn liền với đất của người có đất thu hồi thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.