Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì? Người sử dụng đất được thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi nào?

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì? Khi nào người sử dụng đất được thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất?

Nội dung chính

    Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì?

    Căn cứ khoản 22 Điều 3 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Giải thích từ ngữ
    Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
    ...
    22. Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế, bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập.
    ...

    Theo đó, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành vốn điều lệ của tổ chức kinh tế.

    Góp vốn bằng quyền sử dụng đất bao gồm góp vốn để thành lập tổ chức kinh tế hoặc góp thêm vốn điều lệ của tổ chức kinh tế đã được thành lập.

    Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì? Người sử dụng đất được thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi nào?

    Người sử dụng đất được thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi nào?

    Căn cứ Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định về điều kiện để người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

    Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
    1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
    b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
    c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
    d) Trong thời hạn sử dụng đất;
    đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
    ...

    Như vậy, người sử dụng đất được thực hiện quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi đủ các điều kiện sau, bao gồm:

    - Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy chứng nhận khác tương đương, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất chưa được cấp Giấy chứng nhận;

    - Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết;

    - Không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án;

    - Trong thời hạn sử dụng đất;

    - Không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

    Người sử dụng đất có nghĩa vụ chung gì?

    Căn cứ Điều 31 Luật Đất đai 2024 quy định nghĩa vụ chung của người sử dụng đất như sau:

    - Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân thủ quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; thực hiện đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật.

    - Thực hiện biện pháp bảo vệ đất; xử lý, cải tạo và phục hồi đất đối với khu vực đất bị ô nhiễm, thoái hóa do mình gây ra.

    - Tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến tài sản và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

    - Tuân thủ quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

    - Bàn giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

    Lưu ý: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Riêng Điều 190 Luật Đất đai 2024 và Điều 248 Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2024.

    18