Dựa vào căn cứ nào để thu hồi quyết định thi hành án khi người được thi hành án có đơn đề nghị rút đơn yêu cầu thi hành án?
Nội dung chính
Dựa vào căn cứ nào để thu hồi quyết định thi hành án khi người được thi hành án có đơn đề nghị rút đơn yêu cầu thi hành án?
Khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án ra quyết định thu hồi quyết định về thi hành án trong các trường hợp sau đây:
- Quyết định về thi hành án được ban hành không đúng thẩm quyền;
- Quyết định về thi hành án có sai sót làm thay đổi nội dung vụ việc;
- Căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn;
- Trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này.
Việc thi hành án dân sự đã phát sinh do người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ thời điểm nhận đơn yêu cầu thi hành án quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 . Do đó, vụ việc đang tổ chức thi hành án thì người được thi hành án có đơn đề nghị rút đơn yêu cầu thi hành án thì không phải là “căn cứ ra quyết định về thi hành án không còn” nên không thu hồi quyết định thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự.
Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân cần giải thích rõ cho đương sự biết về hậu quả pháp lý của việc có đơn đề nghị rút đơn yêu cầu thi hành án thì bản chất là đề nghị không tiếp tục thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ đình chỉ thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự để họ quyết định, họ sẽ không còn quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành trở lại vụ việc thi hành án đó. Khi giải thích cần lập biên bản ghi rõ nội dung, quan điểm của người đã có đơn đề nghị, có chữ ký của họ để cơ quan thi hành án xử lý vụ việc đúng pháp luật, tránh tình trạng khiếu nại phức tạp kéo dài.