Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang thế chấp thì chủ đầu tư có được huy động thêm vốn góp không?
Nội dung chính
Thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở có bao gồm cả thế chấp quyền sử dụng đất không?
Căn cứ Điều 183 Luật Nhà ở 2023 quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án hoặc thế chấp nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn phục vụ cho việc đầu tư dự án đó hoặc xây dựng nhà ở đó; việc thế chấp dự án hoặc nhà ở phải bao gồm cả thế chấp quyền sử dụng đất.
Như vậy, thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở có bao gồm cả thế chấp quyền sử dụng đất.
Điều kiện thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở là gì?
Cụ thể, Điều 184 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở như sau:
+ Phải có hồ sơ dự án, có thiết kế kỹ thuật của dự án được phê duyệt và;
+ Đã có Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
Điều kiện thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2023; trường hợp thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở không đúng với quy định của Luật Nhà ở 2023 thì vô hiệu.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang thế chấp thì chủ đầu tư có được huy động thêm vốn góp không? (Hình từ Internet)
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang thế chấp thì chủ đầu tư có được huy động thêm vốn góp không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 183 Luật Nhà ở 2023 trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở đã thế chấp một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn thì phải giải chấp một phần hoặc toàn bộ dự án và quyền sử dụng đất này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp.
Như vậy, dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang thế chấp thì chủ đầu tư phải giải chấp một phần hoặc toàn bộ dự án và quyền sử dụng đất này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp.
Chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp cho bên góp vốn văn bản giải chấp của tổ chức tín dụng khi ký hợp đồng góp vốn.
Lưu ý: Việc xử lý tài sản thế chấp là một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án phải có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở và phải thực hiện thủ tục nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan. (Theo khoản 2 Điều 185 Luật Nhà ở 2023)
Giải chấp tài sản là gì?
Mặc dù pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm "giải chấp tài sản", nhưng có thể hiểu giải chấp là quá trình chấm dứt thế chấp tài sản hoặc xóa đăng ký biện pháp bảo đảm đối với tài sản đã thế chấp. Điều này có nghĩa là tài sản không còn được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ cụ thể nào đó.
Theo Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015, thế chấp tài sản được hiểu là việc một bên (bên thế chấp) sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà không chuyển giao tài sản này cho bên nhận thế chấp. Tài sản thế chấp thường được bên thế chấp giữ, nhưng cũng có thể được thỏa thuận giao cho một bên thứ ba giữ.
Khi nghĩa vụ được đảm bảo đã hoàn thành hoặc theo thỏa thuận giữa các bên, việc giải chấp sẽ được thực hiện. Quá trình này thường bao gồm việc xóa đăng ký biện pháp bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền để tài sản không còn bị ràng buộc bởi quyền thế chấp.