Đối tượng nào thuộc người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở?
Nội dung chính
Đối tượng nào thuộc người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 99 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định như sau:
Đối tượng, hình thức và nguyên tắc hỗ trợ
1. Đối tượng được hỗ trợ
Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ.
Do đó, căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng 2020 quy định như sau:
Đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng
1. Người có công với cách mạng bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Liệt sỹ;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
h) Bệnh binh;
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
k) Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
m) Người có công giúp đỡ cách mạng.
Như vậy, đối tượng nào thuộc người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở bao gồm như sau:
- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh;
- Bệnh binh;
- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học;
- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;
- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;
- Người có công giúp đỡ cách mạng;
- Thân nhân liệt sĩ.
Đối tượng nào thuộc người có công với cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở? (Hình từ Internet)
Hình thức hỗ trợ nhà ở bao gồm những gì?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 99 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định về hình thức hỗ trợ nhà ở như sau:
- Tặng nhà: Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Điều 100 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
- Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.
- Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định tại Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP.
Như vậy, hình thức hỗ trợ nhà ở được thực hiện theo quy định như trên.
Phương thức thực hiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng ra sao?
Căn cứ khoản 5 Điều 102 Nghị định 131/2021/NĐ-CP quy định phương thức thực hiện hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng như sau:
Hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng
5. Phương thức thực hiện
a) Việc lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở (sau đây gọi là Đề án) do Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt Đề án trên địa bàn tỉnh theo trình tự quy định tại khoản 6 Điều này; việc tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt Đề án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều này.
b) Việc cấp vốn
Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.
c) Sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định, các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vận động việc thực hiện xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định của Nghị định này. Khi hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung - tường nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo Mẫu số 05 Phụ lục IX Nghị định này; khi hoàn thiện toàn bộ nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo Mẫu số 06 Phụ lục IX Nghị định này.
Như vậy, phương thức hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng được thực hiện dựa theo quy định như trên.