Nhà thầu có quyền ngừng thi công xây dựng không? Trách nhiệm của họ khi ngừng thi công không rõ lý do là gì?
Nội dung chính
Nhà thầu ngừng thi công xây dựng không rõ lý do, trách nhiệm của họ là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015 về vấn đề đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng (trong đó có hợp đồng xây dựng) như sau:
- Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng
Một bên trong hợp đồng có quyền chấm dứt hợp đồng mà không cần phải bồi thường thiệt hại nếu bên còn lại vi phạm nghiêm trọng các điều khoản trong hợp đồng. Điều này cũng áp dụng nếu các bên đã thỏa thuận khác hoặc có quy định pháp luật khác liên quan.
- Nghĩa vụ thông báo khi chấm dứt hợp đồng
Khi một bên quyết định chấm dứt hợp đồng, họ phải thông báo ngay cho bên kia biết về quyết định này. Nếu không thông báo và gây thiệt hại cho bên còn lại, bên chấm dứt hợp đồng sẽ phải bồi thường thiệt hại thực tế.
- Thời điểm và nghĩa vụ sau khi chấm dứt hợp đồng
Hợp đồng sẽ chính thức chấm dứt từ thời điểm bên còn lại nhận được thông báo. Sau khi hợp đồng chấm dứt, các bên không cần thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng nữa, trừ khi có thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại hoặc giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên còn lại thanh toán phần nghĩa vụ mà họ đã hoàn thành.
- Bồi thường thiệt hại và trách nhiệm pháp lý
Nếu bên bị thiệt hại do bên kia không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng, họ có quyền yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật. Nếu việc chấm dứt hợp đồng không có lý do chính đáng, bên chấm dứt sẽ bị coi là vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm dân sự theo pháp luật.
Có thể hiểu, trường hợp nhà thầu thi công công trình xây dựng có hành vi không tiếp tục xây dựng công trình, ngừng thi công xây dựng không có lý do chính đáng thì có thể được xem đây là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng.
Như vậy, trong trường hợp nhà thầu dừng thi công công trình xây dựng không rõ lý do thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bên còn lại, và được coi là trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Phía chủ nhà cần phải liên hệ với bên nhà thầu để thỏa thuận về các vấn đề bồi thường thiệt hại có liên quan, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được hoặc không liên hệ được với bên nhà thầu thì bên chủ nhà hoàn toàn có quyền làm đơn khởi kiện gửi tới tòa án nhân dân cấp quận, huyện nơi nhà thầu đang sinh sống, làm việc để yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp theo thủ tục chung.
Nhà thầu có quyền ngừng thi công xây dựng không? Trách nhiệm của họ khi ngừng thi công không rõ lý do là gì? (Hình từ internet)
Nhà thầu có quyền ngừng thi công xây dựng khi rơi vào trường hợp nào?
Căn cứ theo điểm d khoản 1 Điều 113 Luật Xây dựng 2014 có quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công công trình xây dựng. Theo đó, nhà thầu thi công xây dựng có các quyền sau:
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu thi công xây dựng
1. Nhà thầu thi công xây dựng có các quyền sau:
a) Từ chối thực hiện những yêu cầu trái pháp luật;
b) Đề xuất sửa đổi thiết kế xây dựng cho phù hợp với thực tế thi công để bảo đảm chất lượng và hiệu quả;
c) Yêu cầu thanh toán giá trị khối lượng xây dựng hoàn thành theo đúng hợp đồng;
d) Dừng thi công xây dựng khi có nguy cơ gây mất an toàn cho người và công trình hoặc bên giao thầu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng;
đ) Yêu cầu bồi thường thiệt hại do bên giao thầu xây dựng gây ra;
e) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
...
Như vậy, đối chiếu với điều luật nêu trên thì nhà thầu thi công công trình xây dựng có quyền ngừng thi công xây dựng khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
-Nhận thấy có nguy cơ gây mất an toàn cho người;
-Có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình xây dựng;
-Bên giao thầu không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng xây dựng.
Nhà thầu giám sát thi công có quyền ngừng thi công xây dựng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Luật xây dựng 2014 có quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà thầu giám sát thi công công trình xây dựng. Theo đó, nhà thầu giám sát thi công công trình xây dựng có một số quyền sau đây:
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình
1. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình có các quyền sau:
a) Tham gia nghiệm thu, xác nhận công việc, công trình đã hoàn thành thi công xây dựng;
b) Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình thực hiện đúng thiết kế được phê duyệt và hợp đồng thi công xây dựng đã ký kết;
c) Bảo lưu ý kiến đối với công việc giám sát do mình đảm nhận;
d) Tạm dừng thi công trong trường hợp phát hiện công trình có nguy cơ xảy ra mất an toàn hoặc nhà thầu thi công sai thiết kế và thông báo kịp thời cho chủ đầu tư để xử lý;
đ) Từ chối yêu cầu bất hợp lý của các bên có liên quan;
e) Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
...
Như vậy, nhà thầu giám sát thi công công trình xây dựng không có quyền dừng thi công công trình xây dựng, chỉ có thể tạm dừng thi công công trình xây dựng trong trường hợp nhận thấy công trình có nguy cơ gây mất an toàn hoặc nhà thầu thi công sai thiết kế, trong quá trình tạm dừng thi công công trình thì cần phải kịp thời thông báo cho chủ đầu tư để xử lý theo đúng quy định pháp luật.