Doanh nghiệp như thế nào thì được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường?

Doanh nghiệp như thế nào thì được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường? Doanh nghiệp của tôi có thị phần 25% trên thị trường liên quan thì đã được cho là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hay chưa?

Nội dung chính

    Doanh nghiệp như thế nào thì được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường?

    Căn cứ Điều 24 Luật Cạnh tranh 2018 có quy định như sau:

    1. Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan.

    2. Nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động gây tác động hạn chế cạnh tranh và có sức mạnh thị trường đáng kể được xác định theo quy định tại Điều 26 của Luật này hoặc có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

    b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

    c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan;

    d) Năm doanh nghiệp trở lên có tổng thị phần từ 85% trở lên trên thị trường liên quan.

    3. Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm doanh nghiệp có thị phần ít hơn 10% trên thị trường liên quan.

    Như vậy, theo quy định trên doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể hoặc có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan thì được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường. Trong trường hợp của bạn, nếu doanh nghiệp của bạn có sức mạnh thị trường đáng kể thì được xem là có vị trí thống lĩnh thị trường.

    Xác định sức mạnh thị trường đáng kể như thế nào?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 26 Luật này sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:

    a) Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan;

    b) Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp;

    c) Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác;

    d) Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ;

    đ) Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật;

    e) Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng;

    g) Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

    h) Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác;

    i) Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

    Trân trọng!

    45