Doanh nghiệp nhà nước có được mua đất để đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng hay không?
Nội dung chính
Doanh nghiệp nhà nước bao gồm những doanh nghiệp nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020.
Dẫn chiếu tới Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
(1) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
(2) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại (1), gồm:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Doanh nghiệp nhà nước có được mua đất để đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng hay không? (Hình từ Internet)
Doanh nghiệp nhà nước có được mua đất để đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng doanh nghiệp không?
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 12 Điều 2 Nghị định 140/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất giao hoặc thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có ngành nghề kinh doanh chính là ngành nghề kinh doanh bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 quy định kinh doanh bất động sản là hoạt động nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận thông qua việc bỏ vốn để tạo lập nhà ở, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua nhà ở, công trình xây dựng; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản; chuyển nhượng dự án bất động sản; kinh doanh dịch vụ bất động sản.
Việc mua đất để xây dựng trụ sở văn phòng không thuộc phạm vi kinh doanh bất động sản theo quy định nêu trên, vì đây không phải hoạt động nhằm tìm kiếm lợi nhuận từ bất động sản mà phục vụ trực tiếp cho nhu cầu hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, pháp luật không cấm doanh nghiệp nhà nước mua đất để xây dựng trụ sở, miễn là hoạt động này được thực hiện đúng với chức năng, nhiệm vụ của doanh nghiệp và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước được phép mua đất để đầu tư xây dựng trụ sở văn phòng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhà nước có được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cá nhân hay không?
Theo điểm đ khoản 3 Luật Đất đai 2024 đất xây dựng trụ sở của doanh nghiệp nhà nước thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và được sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở sản xuất, kinh doanh .
Căn cứ Điều 45 Luật Đất đai 2024 điều kiện để thực hiện quyền chuyển nhượng sử dụng đất được quy định như sau:
- Có Giấy chứng nhận trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 Luật Đất đai 2024;
- Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
- Trong thời hạn sử dụng đất;
- Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Ngoài các điều kiện trên thì tại khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Đối với các trường hợp được nhận chuyển nhượng nhưng đất chưa đúng mục đích sử dụng để xây trụ sở văn phòng, thi doanh nghiệp nhà nước phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại 121 Luật Đất đai 2024.
Như vậy, doanh nghiệp nhà nước được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ cá nhân, ngoại trừ các trường hợp bị pháp luật hạn chế như chuyển nhượng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng. Việc nhận chuyển nhượng phải đảm bảo mục đích sử dụng đất rõ ràng, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng các điều kiện về chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.