Doanh nghiệp có bắt buộc phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản?
Nội dung chính
Doanh nghiệp có bắt buộc phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về hợp đồng trong kinh doanh bất động sản như sau:
Hợp đồng trong kinh doanh bất động sản
...
4. Hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản mà ít nhất một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
...
Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản.
Việc công chứng, chứng thực hợp đồng được thực hiện theo yêu cầu của các bên trong hợp đồng.
Ngoài ra, theo khoản 6 Điều 44 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng hoặc bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Trường hợp hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm văn bản công chứng, chứng thực có hiệu lực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực.
Doanh nghiệp có bắt buộc phải công chứng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản? (Hình từ Internet)
Mẫu hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản được quy định như thế nào?
Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản phải được xác lập, ký kết tuân thủ đúng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 12 Nghị định 96/2024/NĐ-CP.
Cụ thể theo điểm i khoản 2 Điều 12 Nghị định 96/2024/NĐ-CP, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản được lập theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP.
TẢI VỀ Mẫu hợp đồng
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản có những nội dung chính sau đây:
- Tên, địa chỉ của các bên;
- Thông tin cơ bản của dự án đã được phê duyệt;
- Thông tin chi tiết về toàn bộ dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng;
- Giá chuyển nhượng;
- Phương thức và thời hạn thanh toán;
- Thời hạn bàn giao toàn bộ dự án và hồ sơ kèm theo;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các trường hợp chấm dứt hợp đồng và biện pháp xử lý;
- Phương thức giải quyết tranh chấp;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Nguyên tắc xác lập, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản là gì?
Theo khoản 1, điểm i khoản 2 Điều 12 Nghị định 96/2024/NĐ-CP, hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản phải được thực hiện theo mẫu tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 96/2024/NĐ-CP và tuân thủ các nguyên tắc xác lập, ký kết theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 96/2024/NĐ-CP như sau:
(1) Được sử dụng hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản để ký kết sau khi đã thực hiện công khai theo quy định tại Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2023;
(2) Tuân thủ, chấp hành hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan có thẩm quyền quản lý kinh doanh bất động sản trong việc thực hiện các quy định, nguyên tắc về việc thực hiện công khai, sử dụng, xác lập, ký kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản trong kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;
(3) Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có nghĩa vụ tuân thủ đúng, không được thay đổi các nội dung có trong hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản. Trường hợp trong hợp đồng có nội dung để doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được bổ sung nội dung thì việc bổ sung nội dung hợp đồng phải bảo đảm tuân thủ nguyên tắc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không làm thay đổi hoặc trái với các nội dung đã có trong hợp đồng;
(4) Trường hợp có sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án bất động sản đã công khai thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm đồng thời công khai hợp đồng đã sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điều 4 Nghị định 96/2024/NĐ-CP trước khi sử dụng để ký kết hợp đồng;
(5) Trong trường hợp hợp đồng được doanh nghiệp sử dụng để ký kết với các khách hàng có nội dung không đúng với nội dung của hợp đồng mẫu, không đúng với hợp đồng mẫu đã thực hiện công khai theo quy định tại Nghị định 96/2024/NĐ-CP, không tuân thủ đúng các nguyên tắc trên thì bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật có liên quan và có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh đối với các khách hàng đã ký hợp đồng do các vi phạm của mình. Nếu có tranh chấp thì các bên liên quan căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật có liên quan để giải quyết.