Đô thị vệ tinh là gì? Đặc điểm của đô thị vệ tinh
Nội dung chính
Đô thị vệ tinh là gì? Đặc điểm của đô thị vệ tinh
Pháp luật hiện hành không có quy định về khái niệm của đô thị vệ tinh. Tuy nhiên có thể hiểu đô thị vệ tinh là các thành phố hoặc thị trấn nhỏ nằm gần một đô thị lớn, được phát triển nhằm hỗ trợ và giảm tải cho đô thị trung tâm. Chúng giúp phân tán dân cư, giảm áp lực về mật độ dân số, giao thông và môi trường cho thành phố chính.
Mỗi đô thị vệ tinh thường có chức năng và định hướng phát triển riêng, tạo nên một mạng lưới đô thị liên kết với nhau thông qua hệ thống giao thông hiện đại.
Tại Việt Nam, mô hình đô thị vệ tinh được áp dụng để giải quyết các vấn đề về quá tải dân số và hạ tầng ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Việc phát triển các đô thị vệ tinh giúp phân bổ lại dân cư, tạo điều kiện sống tốt hơn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực lân cận.
Đặc điểm của đô thị vệ tinh:
- Vị trí địa lý: Đô thị vệ tinh thường nằm trong hoặc gần vùng ngoại vi của đô thị trung tâm, với khoảng cách hợp lý để thuận tiện cho việc di chuyển và kết nối.
- Chức năng hỗ trợ: Chúng được phát triển để chia sẻ các chức năng kinh tế, xã hội và dịch vụ với đô thị trung tâm, giúp giảm áp lực về mật độ dân số, giao thông và môi trường.
- Kết nối giao thông: Hệ thống giao thông giữa đô thị vệ tinh và đô thị trung tâm được thiết kế hiệu quả, bao gồm các tuyến đường bộ, đường sắt hoặc phương tiện công cộng, nhằm đảm bảo sự liên kết thuận lợi.
- Phát triển độc lập: Mặc dù có mối quan hệ chặt chẽ với đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh thường có khả năng phát triển kinh tế và xã hội độc lập, với các khu công nghiệp, dịch vụ và khu dân cư riêng biệt.
- Quy hoạch bền vững: Việc phát triển đô thị vệ tinh thường chú trọng đến môi trường, với không gian xanh và các biện pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhằm tạo ra môi trường sống chất lượng cho cư dân.
- Giảm tải cho đô thị trung tâm: Bằng cách cung cấp các dịch vụ và cơ hội việc làm tại chỗ, đô thị vệ tinh giúp giảm nhu cầu di chuyển vào đô thị trung tâm, từ đó giảm ùn tắc giao thông và áp lực lên hạ tầng.
Đô thị vệ tinh là gì? Đặc điểm của đô thị vệ tinh (Hình ảnh từ internet)
Quy hoạch đô thị là gì?
Căn cứ theo khoản 4 Điều 1 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (sửa đổi 2018), sau đây gọi là Luật Quy hoạch đô thị 2009, quy định quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
Các loại quy hoạch đô thị được quy định như thế nào?
Theo Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị 2009 các loại quy hoạch đô thị được quy định như sau:
Các loại quy hoạch đô thị
1. Quy hoạch đô thị gồm các loại sau đây:
a) Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã , thị trấn và đô thị mới;
b) Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;
c) Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.
...
Căn cứ theo quy định trên, quy hoạch đô thị bao gồm các loại:
- Quy hoạch chung được lập cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã , thị trấn và đô thị mới;
- Quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới;
- Quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.
Yêu cầu đối với quy hoạch đô thị
Điều 6 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định về yêu cầu đối với quy hoạch đô thị như sau:
- Cụ thể hóa quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; bảo đảm công khai, minh bạch và kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia, cộng đồng và cá nhân.
- Dự báo khoa học, đáp ứng được yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế phát triển của đô thị; tuân thủ quy chuẩn về quy hoạch đô thị và quy chuẩn khác có liên quan.
- Bảo vệ môi trường, phòng ngừa hiểm hoạ ảnh hưởng đến cộng đồng, cải thiện cảnh quan, bảo tồn các di tích văn hoá, lịch sử và nét đặc trưng địa phương thông qua việc đánh giá môi trường chiến lược trong quá trình lập quy hoạch đô thị.
- Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả đất đô thị nhằm tạo ra nguồn lực phát triển đô thị, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
- Bảo đảm tính đồng bộ về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm; phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị.
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng nhà ở, công trình y tế, giáo dục, văn hoá, thể thao, thương mại, công viên, cây xanh, mặt nước và công trình hạ tầng xã hội khác.
- Đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác.
- Bảo đảm sự kết nối, thống nhất giữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đô thị và sự liên thông với các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, quốc gia và quốc tế.