Điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất là gì?
Nội dung chính
Điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất là gì?
Tại Điều 11 Nghị định 25/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP có quy định về điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất như nhau:
Dự án đầu tư có sử dụng đất phải lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Nghị định 25/2020/NĐ-CP khi đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Thuộc các dự án quy định tại điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị định 25/2020/NĐ-CP mà không sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng công trình. Dự án xây dựng khu đô thị, nhà ở thương mại; trụ sở văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ được phân loại theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trường hợp dự án có nhiều công năng, dự án đầu tư có sử dụng đất được xác định căn cứ công trình chính của dự án hoặc công trình chính có cấp cao nhất trong trường hợp dự án có nhiều công trình chính theo quy định của pháp luật về xây dựng.
+ Thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai, thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng mà sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ban quản lý khu kinh tế giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư được chấp thuận.
+ Thuộc chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị.
+ Phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật.
+ Không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
+ Không thuộc trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 (Lưu ý: điểm b khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 đã hết hiệu lực và không còn được quy định trong Luật Đấu thầu 2023).
Điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất là gì? (Hình từ Internet)
Có các hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư có sử dụng đất nào?
Tại Điều 10 Nghị định 25/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định có các hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án bất động sản sau:
+ Hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Hình thức này áp dụng đối với dự án đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) từ 800.000.000.000 (tám trăm tỷ) đồng trở lên;
- Có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 25/2020/NĐ-CP, trong đó có ít nhất một nhà đầu tư nước ngoài;
- Không thuộc trường hợp theo quy định tại các điểm a và c khoản 2 Điều Điều 10 Nghị định 25/2020/NĐ-CP.
+ Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước
Hình thức này được áp dụng trong trường hợp sau:
- Dự án thuộc ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, trong đó không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đăng ký thực hiện dự án hoặc đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định 25/2020/NĐ-CP;
- Dự án có yêu cầu về bảo đảm quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng đối với yêu cầu bảo đảm quốc phòng; ý kiến thống nhất của Bộ Công an đối với yêu cầu bảo đảm an ninh.
+ Hình thức chỉ định thầu theo quy định của Luật Đấu thầu.
Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư có sử dụng đất do nhà đầu tư lập bao gồm những gì?
Tại điểm b khoản 2 Điều 12 Nghị định 25/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 108 Nghị định 31/2021/NĐ-CP có quy định hồ sơ đề xuất dự án do nhà đầu tư lập bao gồm các nội dung sau đây:
- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, bao gồm cam kết chịu mọi chi chí, rủi ro nếu hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận;
- Nội dung đề xuất dự án đầu tư gồm: tên dự án; mục tiêu đầu tư; quy mô đầu tư; sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, vốn đầu tư; phương án huy động vốn; thời hạn, tiến độ đầu tư; phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững của dự án đầu tư;
- Đề xuất dự kiến nhu cầu sử dụng đất; thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án (nếu có); mục đích sử dụng đất; các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt;
- Hồ sơ về tư cách pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư;
- Các tài liệu cần thiết khác để giải trình hồ sơ đề xuất dự án (nếu có).