Điều kiện và thủ tục xuất khẩu khoáng sản

Quy định của pháp luật hiện hành về điều kiện và thủ tục xuất khẩu khoáng sản?

Nội dung chính

    - Điều 4, Thông tư 41/2012/TT-BCT, ngày 21-12-2012, quy định về xuất khẩu khoáng sản do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành (có hiệu lực từ ngày 4-2-2013) quy định về điều kiện xuất khẩu khoáng sản như sau:

    1- Chỉ có doanh nghiệp (DN) mới được phép xuất khẩu khoáng sản. DN xuất khẩu khoáng sản là DN được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, có đủ điều kiện theo quy định của Luật Thương mại về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, gia công và đại lý mua bán hàng hóa với nước ngoài;

    2- Khoáng sản được phép xuất khẩu khi đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: a) Đã qua chế biến và có tên trong danh mục khoáng sản xuất khẩu (Danh mục tại phụ lục kèm theo thông tư này); b) Đạt tiêu chuẩn chất lượng không thấp hơn quy định tại Danh mục khoáng sản xuất khẩu; c) Có nguồn gốc hợp pháp, cụ thể là: Được khai thác từ các mỏ, điểm mỏ có Giấy phép khai thác, Giấy phép khai thác tận thu do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, còn hiệu lực; hoặc được nhập khẩu hợp pháp; hoặc do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tịch thu và phát mại. Khoáng sản nhập khẩu (để tái xuất hoặc để chế biến phục vụ xuất khẩu) được coi là hợp pháp khi có Tờ khai hàng hóa khoáng sản nhập khẩu có xác nhận của Hải quan cửa khẩu (bản sao có chứng thực theo quy định). Đối với khoáng sản tịch thu, phát mại, phải có các chứng từ sau: Hóa đơn bán tài sản tịch thu, sung công quỹ, phiếu xuất kho, biên bản bàn giao tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu bán đấu giá (bản sao có chứng thực theo quy định).

    Về thủ tục xuất khẩu khoáng sản được quy định tại Điều 5, Thông tư 41/2012/ TT-BCT như sau: DN khi làm thủ tục xuất khẩu khoáng sản, ngoài việc thực hiện các quy định của Hải quan còn phải xuất trình các loại giấy tờ sau: Phiếu phân tích mẫu để xác nhận sự phù hợp về tiêu chuẩn, chất lượng của lô hàng xuất khẩu, do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS cấp; Hồ sơ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản xuất khẩu, cụ thể là: a) Đối với DN khai thác khoáng sản: Giấy phép khai thác hoặc Giấy phép khai thác tận thu còn hiệu lực; b) Đối với DN chế biến khoáng sản: Giấy chứng nhận đầu tư nhà máy chế biến và hợp đồng mua khoáng sản của DN khai thác khoáng sản hợp pháp hoặc chứng từ nhập khẩu khoáng sản hợp lệ (trường hợp DN sử dụng nguyên liệu khoáng sản nhập khẩu quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4); c) Đối với DN thương mại kinh doanh xuất nhập khẩu khoáng sản: Hợp đồng mua khoáng sản kèm theo bản sao hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hợp đồng ủy thác xuất khẩu khoáng sản ký với DN nêu tại mục a và b nêu trên; hoặc chứng từ hợp lệ mua khoáng sản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại (quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 4).

    Khi làm thủ tục thông quan, nếu Hải quan cửa khẩu có cơ sở nghi vấn lô hàng khoáng sản xuất khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định tại thông tư này thì có quyền vẫn cho thông quan, đồng thời tiến hành lập biên bản và lấy mẫu khoáng sản để kiểm tra lại. Việc kiểm tra do một phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn VILAS thực hiện. Nếu kết quả kiểm tra khẳng định sự nghi vấn thì DN xuất khẩu phải chịu phạt theo quy định hiện hành và chịu chi phí thử nghiệm. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định thì chi phí thử nghiệm do Hải quan cửa khẩu chịu.

    133