Điều kiện đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh là gì?
Nội dung chính
Nhà ở hình thành trong tương lai là gì?
Căn cứ theo khoản 24 Điều 2 Luật Nhà ở 2023 và khoản 1 Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì nhà ở hình thành trong tương lai là loại hình nhà ở được phép đưa vào kinh doanh mặc dù vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Ví dụ về các dự án đủ điều kiện được kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai như:
+ Tại Quận Thanh Xuân (Hà Nội) có 2 dự án gồm: Tổ hợp công trình hỗn hợp Pandora ở Triều Khúc do Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình làm chủ đầu tư. Dự án Khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân VihaComplex ở phố Nguyễn Tuân do Liên danh Công ty CP In và Thương mại Thống Nhất và Công ty TNHH Xuân Lộc Thọ làm chủ đầu tư.
+ Tại Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) có 2 dự án gồm: Nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc quỹ đất 20% của Dự án đầu tư xây dựng nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, do liên danh Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 4 và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng NHS làm chủ đầu tư; Tòa chung cư U38.1 thuộc lô đất F3-CH02 của dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ-Đại Mỗ-Vinhomes Park, do Công ty cổ phần Kinh doanh bất động sản S-Vin Việt Nam làm chủ đầu tư.
Điều kiện đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh là gì?(Hình Internet)
Điều kiện đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh là gì?
Theo Điều 24 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, khi muốn đưa nhà ở hình thành trong tương lai vào kinh doanh thì phải đáp ứng được các điều kiện sau:
(1) Nhà ở đã được khởi công xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(2) Có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất sau:
+ Quyết định giao đất;
+ Quyết định cho thuê đất và hợp đồng về cho thuê quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
+ Quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở;
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
+ Giấy chứng nhận khác về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Có các loại giấy tờ sau:
+ Giấy phép xây dựng nhà ở và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Thông báo khởi công xây dựng nhà ở và hồ sơ thiết kế xây dựng nhà ở đối với trường hợp không phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
+ Giấy tờ về nghiệm thu việc đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng tương ứng theo tiến độ dự án; trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có nhà ở phải có giấy tờ chứng minh đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng phần móng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
(3) Trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư dự án phải có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
(4) Nhà ở phải nằm trong dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận và trong nội dung dự án được chấp thuận có mục đích đầu tư xây dựng nhà ở xây dựng để bán, cho thuê mua.
(5) Đã được công khai thông tin về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh.
(6) Đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Không thuộc trường hợp đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng, tranh chấp về quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh đang được cơ quan có thẩm quyền thông báo, thụ lý và giải quyết; trường hợp có tranh chấp thì đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết bằng bản án, quyết định, phán quyết đã có hiệu lực pháp luật;
+ Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
+ Không thuộc trường hợp luật cấm giao dịch;
+ Không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị đình chỉ, tạm đình chỉ giao dịch theo quy định của pháp luật;
+ Dự án phải đáp ứng các yêu cầu về dự án bất động sản;
Riêng đối với nhà ở, công trình xây dựng trong dự án bất động sản được chủ đầu tư đưa vào kinh doanh cần đáp ứng thêm 02 điều kiện sau đây:
+ Dự án phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 11 Luật Kinh doanh bất động sản 2023;
+ Chủ đầu tư dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật đối với đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh;
(7) Đối với phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng hình thành trong tương lai đưa vào kinh doanh ngoài việc đáp ứng các điều kiện nêu trên thì còn phải bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản 2023.
Trách nhiệm đối với chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai là gì?
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 23 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 thì chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai có trách nhiệm sau đây:
- Trách nhiệm chung:
+ Thực hiện việc đầu tư xây dựng, kinh doanh, quản lý, khai thác dự án bất động sản theo quy định của pháp luật. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.
+ Bảo đảm nguồn tài chính để thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được chấp thuận, phê duyệt.
+ Trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà ở cho bên mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua nhà ở đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận thì phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai cho bên mua, thuê mua, trừ trường hợp bên mua, thuê mua tự nguyện làm thủ tục cấp giấy chứng nhận.
+ Không được ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua nhà ở.
+ Thực hiện quy định của pháp luật trong hoạt động đầu tư, xây dựng, sử dụng đất và giao dịch bán, cho thuê mua nhà ở, bảo đảm người mua, thuê mua nhà ở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với nhà ở đã mua, thuê mua của chủ đầu tư.
+ Xây dựng nhà ở trong dự án theo đúng quy hoạch chi tiết, thiết kế được phê duyệt, giấy phép xây dựng, nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng.
+ Việc bàn giao nhà ở thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
+ Trường hợp bàn giao nhà ở xây dựng thô không phải là nhà chung cư cho bên mua, thuê mua thì phải hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài của nhà ở đó.
+ Trách nhiệm khác của chủ đầu tư dự án theo quy định của pháp luật.
- Sử dụng tiền đã thu từ bên mua, thuê mua để đầu tư xây dựng dự án, nhà ở đã được bán, cho thuê mua đúng mục đích sử dụng theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết; tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền;
- Cung cấp công khai thông tin về tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở cho bên mua, thuê mua theo hợp đồng mua bán, thuê mua đã ký kết hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
- Cung cấp đầy đủ, trung thực hồ sơ, thông tin về bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 cho sàn giao dịch bất động sản trong trường hợp lựa chọn phân phối sản phẩm thông qua sàn giao dịch bất động sản;
- Không ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Lưu ý: Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc không quá 5% giá bán, cho thuê mua nhà ở từ bên đặt cọc để mua, thuê mua khi nhà ở đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định. Thỏa thuận đặt cọc phải ghi rõ giá bán, cho thuê mua nhà ở.