Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản được quy định là bao nhiêu?
Nội dung chính
Khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản từ 01/7/2025
Theo Điều 25 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 thì khu vực hoạt động khoáng sản, khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản như sau:
- Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực đã được cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, các loại giấy phép khai thác khoáng sản, giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đang còn hiệu lực; khu vực đóng cửa mỏ khoáng sản.
- Khu vực quy hoạch hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II, quy hoạch tỉnh.
- Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; ngăn ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên; bảo vệ công trình quy định tại điểm e khoản 1 Điều 26 Luật Địa chất và khoáng sản 2024, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản có thể bị hạn chế về một, một số hoặc tất cả nội dung sau đây:
+ Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác khoáng sản;
+ Công suất khai thác khoáng sản;
+ Thời gian khai thác khoáng sản;
+ Diện tích, độ sâu khai thác khoáng sản và phương pháp thăm dò, khai thác khoáng sản.
- Căn cứ yêu cầu của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 108 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 quyết định việc hạn chế hoạt động khoáng sản.
Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản từ ngày 01/7/2025
Theo Điều 41 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 đã quy định diện tích khu vực thăm dò khoáng sản, cụ thể:
(1) Trừ trường hợp quy định tại mục (3), diện tích khu vực thăm dò của 01 giấy phép đối với loại hoặc nhóm khoáng sản, được quy định như sau:
- Không quá 100 kilômét vuông (km2) đối với than, bôxít;
- Không quá 50 kilômét vuông (km2) đối với đá quý, đá bán quý, khoáng sản kim loại, trừ bôxít;
- Không quá 10 kilômét vuông (km2) đối với khoáng sản phi kim loại ở đất liền, trừ khoáng sản nhóm III;
- Không quá 200 kilômét vuông (km2) đối với khoáng sản ở vùng biển, trừ khoáng sản nhóm III. Trường hợp đặc biệt cần diện tích lớn hơn, Thủ tướng Chính phủ quyết định;
- Không quá 02 kilômét vuông (km2) ở đất liền, không quá 30 kilômét vuông (km2) ở khu vực biển đối với khoáng sản nhóm III, trừ nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên;
- Diện tích khu vực thăm dò đối với nước khoáng thiên nhiên, nước nóng thiên nhiên được xác định theo đề án thăm dò.
(2) Mức sâu thăm dò phải bảo đảm khống chế hết thân khoáng sản và các cấu trúc địa chất có triển vọng đối với loại khoáng sản dự kiến thăm dò theo đề án thăm dò khoáng sản, trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
(3) Trường hợp thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng theo thỏa thuận trong hiệp định liên Chính phủ, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản được thực hiện theo hiệp định.
Như vậy, diện tích khu vực thăm dò khoáng sản được quy định theo tuỳ loại nhóm khoáng sản tương ứng như quy định nêu trên.
Diện tích khu vực thăm dò khoáng sản được quy định là bao nhiêu? (hình từ internet)
Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 11 Luật Địa chất và khoáng sản 2024 như sau:
Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản
1. Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia, phải bảo đảm nguyên tắc cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tai biến địa chất; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
2. Căn cứ lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:
a) Kết quả thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản của kỳ trước; nhu cầu điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản của các Bộ, ngành, địa phương;
b) Nhu cầu thông tin, dữ liệu về tài nguyên địa chất, khoáng sản và các điều kiện địa chất khác;
c) Tiền đề, dấu hiệu địa chất liên quan đến tài nguyên địa chất, khoáng sản mới phát hiện.
3. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch.
Như vậy, quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản là quy hoạch ngành quốc gia phải bảo đảm nguyên tắc cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản, tài nguyên địa chất khác phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng, chống tai biến địa chất; thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Việc lập quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản căn cứ vào những quy định như trên.