Để tập trung đất nông nghiệp thì tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện cần thỏa thuận những nội dung gì với người sử dụng đất?

Chuyên viên pháp lý Nguyễn Hoàng Nam
Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Để tập trung đất nông nghiệp thì tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện cần thỏa thuận những nội dung gì với người sử dụng đất? Nội dung phương án sử dụng đất bao gồm?

Nội dung chính

    Để tập trung đất nông nghiệp thì tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện cần thỏa thuận những nội dung gì với người sử dụng đất?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 77 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, theo đó, tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp tự thỏa thuận với người sử dụng đất về các nội dung sau:

    - Phương thức tập trung theo quy định tại khoản 1 Điều 192 Luật Đất đai đối với từng người sử dụng đất, từng diện tích đất;

    - Thời gian thực hiện tập trung đất nông nghiệp;

    - Tỷ lệ diện tích đất mà người sử dụng đất phải đóng góp để xây dựng đường giao thông, thủy lợi nội đồng để bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất nông nghiệp;

    - Phương án hoàn trả đất cho người sử dụng đất sau khi kết thúc việc tập trung đất nông nghiệp; việc hoàn trả đất phải bảo đảm giữ ổn định phương án sử dụng đất nông nghiệp đã tập trung;

    - Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tham gia tập trung đất nông nghiệp đối với từng phương thức tập trung;

    - Các thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.

    Để tập trung đất nông nghiệp thì tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện cần thỏa thuận những nội dung gì với người sử dụng đất?

    Để tập trung đất nông nghiệp thì tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện cần thỏa thuận những nội dung gì với người sử dụng đất? (Hình từ Internet)

    Phương án sử dụng đất khi thực hiện tập trung đất nông nghiệp bao gồm những nội dung gì?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 77 Nghị định 102/2024/NĐ-CP, theo đó, tổ chức kinh tế, cá nhân thực hiện tập trung đất nông nghiệp phải lập phương án sử dụng đất gồm những nội dung sau:

    - Xác định phạm vi, quy mô, địa điểm, ranh giới khu vực tập trung đất nông nghiệp;

    - Hiện trạng sử dụng đất gồm: diện tích, mục đích, hình thức, thời hạn sử dụng đất, người quản lý, người sử dụng đất;

    - Xác định phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được tập trung;

    - Đề xuất sử dụng đất đối với diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc khu vực tập trung đất nông nghiệp;

    - Dự kiến hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, hệ thống bờ vùng, bờ thửa; xác định diện tích đất chuyển sang sử dụng vào mục đích giao thông, thủy lợi nội đồng.

    Thực hiện tập trung đất nông nghiệp thì phải đảm bảo những nguyên tắc nào?

    Căn cứ theo khoản 2 Điều 192 Luật Đất đai 2024:

    Tập trung đất nông nghiệp

    ...

    2. Việc tập trung đất nông nghiệp phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

    a) Bảo đảm công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ, công bằng;
    b) Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của tổ chức, cá nhân có liên quan; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh;
    c) Tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    d) Phù hợp với đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa, quá trình chuyển dịch lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của thị trường.

    Có thể thấy, việc tập trung đất nông nghiệp là một quá trình quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng đất và thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, để đảm bảo hài hòa lợi ích và tránh những bất cập, quá trình này phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

    (1) Công khai, minh bạch, tự nguyện, dân chủ và công bằng:

    Việc tập trung đất phải được thực hiện trên cơ sở các thông tin đầy đủ, rõ ràng và công khai để người dân, tổ chức liên quan có thể nắm bắt. Đồng thời, quá trình này cần dựa trên sự tự nguyện của các bên tham gia, tránh mọi hình thức ép buộc hoặc áp đặt. Tinh thần dân chủ và công bằng phải được đề cao, đảm bảo mọi đối tượng đều có tiếng nói và được đối xử bình đẳng.

    (2) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp:

    Quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân liên quan cần được bảo vệ tối đa. Việc tập trung đất không được gây ra các xung đột về quyền lợi, không xâm phạm đến tài sản hợp pháp của các bên tham gia. Đồng thời, việc thực hiện phải bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

    (3) Tuân thủ quy định pháp luật và quy hoạch:

    Quá trình tập trung đất phải phù hợp với các quy định của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, hoạt động này cần được triển khai trong khuôn khổ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tránh các trường hợp vi phạm hoặc gây xáo trộn trong sử dụng đất.

    (4) Phù hợp với đặc điểm vùng, địa phương và nhu cầu thị trường:

    Việc tập trung đất cần xét đến các đặc điểm tự nhiên như đất đai, địa hình, khí hậu, cũng như yếu tố văn hóa của từng vùng, từng khu vực. Ngoài ra, cần cân nhắc đến tình hình lao động, chuyển đổi nghề, việc làm ở nông thôn, đảm bảo không gây bất ổn xã hội. Đặc biệt, hoạt động này phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa và phát triển kinh tế nông thôn.

    61
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ