Đất DDT được hiểu như thế nào? Đất di tích lịch sử - văn hoá có cần đóng thuế không?

Đất DDT được hiểu như thế nào? Quy định về việc sử dụng đất DDT là gì? Đất di tích lịch sử văn hoá có cần đóng thuế không?

Nội dung chính

    Đất DDT được hiểu như thế nào?

    Căn cứ Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 75/2015/TT-BTNMT, ký hiệu DDT là đất có di tích lịch sử - văn hóa.

    Theo đó căn cứ tại điểm e khoản 3 Điều 9 Luật Đất đai 2024 quy định các loại đất phi nông nghiệp:

    Phân loại đất

    ...

    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
    b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
    c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
    d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
    đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;

    Tóm lại, DDT là ký hiệu cho loại đất có di tích lịch sử văn hóa trên bản đồ địa chính Việt Nam, bao gồm tất cả các công trình mang tính chất văn hóa – lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh có mặt trên diện tích đất. Đất DDT thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và được sử dụng cho mục đích công cộng.

    Đất DDT được hiểu như thế nào? Đất di tích lịch sử - văn hoá có cần đóng thuế không? (Hình từ Internet)

    Quy định về việc sử dụng đất DDT

    Căn cứ vào Điều 211 Luật Đất đai 2024 quy định đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên nhứ sau;

    - Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa vào danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa thì phải được quản lý theo quy định sau đây:

    + Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên do tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư trực tiếp quản lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư đó chịu trách nhiệm chính trong việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên;

    + Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên không thuộc quy định tại điểm a khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên chịu trách nhiệm trong việc quản lý diện tích đất này;

    + Đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, sử dụng trái pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

    - Việc sử dụng đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên kết hợp với mục đích khác phải tuân thủ các yêu cầu theo quy định tại Điều 218 của Luật này, Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Người sử dụng đất trong khu vực bảo vệ của di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh theo quy định của Luật Di sản văn hóa được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật này nhưng không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích; trường hợp Nhà nước thu hồi đất để quản lý, sử dụng vào mục đích phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh thì được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Luật này.

    Đất di tích lịch sử văn hoá có cần đóng thuế không?

    Theo quy định tại khoản 1.3 Điều 2 Thông tư 153/2011/TT-BTC quy định như sau:

    Đối tượng không chịu thuế.
    Đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm:
    1. Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm:
    ...
    1.2. Đất xây dựng công trình văn hoá, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao phục vụ lợi ích công cộng bao gồm đất sử dụng làm nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ, công viên, vườn hoa, khu vui chơi cho trẻ em, quảng trường, công trình văn hoá, điểm bưu điện - văn hoá xã, phường, thị trấn, tượng đài, bia tưởng niệm, bảo tàng, cơ sở phục hồi chức năng cho người khuyết tật, cơ sở dạy nghề, cơ sở cai nghiện ma tuý, trại giáo dưỡng, trại phục hồi nhân phẩm; khu nuôi dưỡng người già và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;
    1.3. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định bảo vệ;

    Như vậy, đất di tích lịch sử- văn hóa (DDT) là đất phi nông nghiệp được sử dụng vào mục đích công cộng nằm trong đối tượng được miễn thuế đất. Vì vậy trong trường hợp này đất DDT không cần phải đóng thuế đất.

    51