Đất dành cho đường sắt bao gồm những gì? Việc giao đất, cho thuê đất dành cho đường sắt được thực hiện thế nào?
Nội dung chính
Đất dành cho đường sắt bao gồm những gì theo Luật Đất đai 2024?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 209 Luật Đất đai 2024 quy định về đất dành cho đường sắt như sau:
Đất dành cho đường sắt
1. Đất dành cho đường sắt bao gồm:
a) Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong ga đường sắt;
b) Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
c) Đất xây dựng công trình dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
...
Như vậy, đất dành cho đường sắt bao gồm những loại đất sau:
- Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị;
- Đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong ga đường sắt;
- Đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt;
- Đất xây dựng công trình dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Việc giao đất, cho thuê đất dành cho đường sắt được thực hiện như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 209 Luật Đất đai 2024, việc giao đất, cho thuê đất dành cho đường sắt được thực hiện như sau:
(1) Giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước cho hoạt động thường xuyên trong ga đường sắt.
(2) Cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm và miễn tiền thuê đất đối với đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt chuyên dùng, công trình công nghiệp đường sắt.
(3) Cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với đất xây dựng công trình dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách, vận tải hàng hóa và công trình kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
(4) Đối với đất dành cho đường sắt đã được giao, cho thuê trước ngày Luật Đất đai 2024 có hiệu lực thì Nhà nước xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo hình thức (1), (2) hoặc (3).
Đất dành cho đường sắt bao gồm những gì theo Luật Đất đai 2024? Việc giao đất, cho thuê đất dành cho đường sắt được thực hiện như thế nào? (Hình Internet)
Hoạt động, sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Đường sắt 2017, đất dành cho đường sắt bao gồm:
(1) Đất dùng để xây dựng công trình đường sắt;
(2) Đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt;
(3) Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Bên cạnh đó, Điều 27 Nghị định 58/2017/NĐ-CP có quy định về hoạt động, sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt như sau:
(1) Đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt chỉ được sử dụng trong các trường hợp sau:
-Tập kết tạm vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ thi công công trình đường sắt nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến tầm nhìn cho người tham gia giao thông, an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt, vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ;
- Xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trong vùng kiểm soát xây dựng công trình khác của công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị nếu không thể bố trí công trình này nằm ngoài phạm vi bảo vệ công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị. Chủ đầu tư dự án xây dựng công trình thiết yếu phải có giải pháp kỹ thuật để không làm ảnh hưởng đến sự ổn định, tuổi thọ, bảo đảm an toàn công trình và an toàn giao thông vận tải đường sắt và phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện.
(2) Đất trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt được tạm thời sử dụng vào các mục đích nông nghiệp, được trồng cây thấp dưới 1,5 mét nhưng không được ảnh hưởng đến an toàn, ổn định công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt trong quá trình khai thác.
(3) Trong khu vực ga, nhà ga đường sắt, việc lắp đặt biển quảng cáo thương mại, biển tuyên truyền an toàn giao thông phải tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo và không làm ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, an toàn chạy tàu.
(4) Không được sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt trong các trường hợp sau:
- Xây dựng các công trình kiến trúc, trồng cây che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt;
- Xây dựng các công trình không liên quan đến công trình hầm đường sắt trong khu vực đô thị trong vùng không được xây dựng công trình khác quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 58/2017/NĐ-CP.