Dàn ý nghị luận văn học phân tích thơ lớp 10?

Dàn ý nghị luận văn học phân tích thơ lớp 10? Đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn như thế nào? Mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì?

Nội dung chính

    Dàn ý nghị luận văn học phân tích thơ lớp 10?

    Mở bài nghị luận:

    - Giới thiệu sơ lược về tác giả: tên tuổi, bút danh, vị trí trong nền văn học, chủ đề sáng tác, phong cách sáng tác, những đóng góp của tác giả đối với phong trào văn học, giai đoạn văn học và nền văn học dân tộc.

    - Giới thiệu khái quát về bài thơ: hoàn cảnh xuất xứ, nội dung chính của bài thơ hoặc đoạn thơ. Dẫn dắt vào phần phân tích bài thơ, trích dẫn bài thơ hoặc các khổ thơ cần phân tích.

    Thân bài nghị luận:

    - Khái quát về nghị luận vị trí đoạn thơ hoặc bố cục của bài thơ, mạch cảm xúc chủ đạo của bài thơ.

    - Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và phương hướng phân tích.

    - Phân tích bài thơ/đoạn thơ: trích dẫn và phân tích chi tiết các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ, v.v. trong từng câu thơ. Giải thích ý nghĩa, những điểm đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

    - Phân tích khổ thơ thứ nhất:

    + Nêu nội dung chính của khổ thơ thứ nhất.

    + Áp dụng các thủ pháp phân tích thơ (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật, nhịp điệu, v.v.) để làm rõ ý nghĩa, đặc sắc của từng câu thơ.

    + Liên hệ, so sánh với những bài thơ cùng chủ đề.

    + Chuyển sang phân tích khổ thơ thứ hai.

    - Phân tích khổ thơ thứ hai:

    + Lặp lại các bước phân tích như khổ thơ thứ nhất.

    + Tiếp tục phân tích các khổ thơ còn lại nếu có.

    - Lưu ý: Nếu hai khổ thơ có cùng một ý nghĩa, có thể phân tích chúng cùng một lúc.

    - Nhận xét và đánh giá bài thơ:

    + Đánh giá về nội dung và tư tưởng của bài thơ (nét đặc sắc, thành công hay hạn chế).

    + Đánh giá về nghệ thuật (thành công hay hạn chế).

    + Đánh giá về phong cách tác giả (phong cách nghệ thuật và đóng góp của tác giả trên văn đàn lúc bấy giờ).

    Kết bài nghị luận:

    Khẳng định giá trị về nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

    Liên hệ bản thân và cuộc sống nếu có.

    Dàn ý nghị luận văn học phân tích thơ lớp 10?

    Dàn ý nghị luận văn học phân tích thơ lớp 10? (Hình từ Internet)

    Đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn như thế nào?

    Theo quy định tại Mục 1 Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH năm 2022 về việc đổi mới cách dạy và cách học môn Ngữ văn như sau:

    - Tăng cường hơn nữa việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập môn Ngữ văn; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kĩ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học. Trong quá trình dạy học, giáo viên cần giao nhiệm vụ học tập rõ ràng, phù hợp với khả năng của học sinh; nêu cụ thể các yêu cầu về sản phẩm mà học sinh phải hoàn thành; chú trọng kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ, động viên học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập.

    - Xây dựng kế hoạch bài dạy và tổ chức dạy học môn Ngữ văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học ở trong và ngoài lớp học.

    + Đối với dạy đọc, xác định rõ mục đích giúp học sinh biết cách đọc và tự đọc hiểu được văn bản; thông qua đó hình thành phẩm chất, nhân cách học sinh. Coi ngữ liệu là phương tiện và việc tìm hiểu ngữ liệu là cách thức để hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản.

    Bên cạnh việc giúp học sinh hiểu được nội dung và hình thức của văn bản, cần chú ý trang bị cho học sinh công cụ, cách thức để đọc hiểu các văn bản cùng thể loại hoặc loại hình với văn bản được học.

    Giáo viên có thể đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn để giúp học sinh đọc nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Gắn dạy đọc với các hoạt động dạy viết, nói, nghe, thực hành tiếng Việt và các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phù hợp với từng lớp học, cấp học.

    + Đối với dạy viết, chú trọng yêu cầu học sinh hình thành ý tưởng, biết cách trình bày ý tưởng một cách mạch lạc, sáng tạo, có sức thuyết phục để qua đó rèn luyện tư duy và cách viết các kiểu văn bản. Tập trung vào yêu cầu hướng dẫn học sinh thực hiện các bước tạo lập văn bản.

    Ở mỗi bước, giáo viên có thể sử dụng, khai thác ngữ liệu minh họa một cách hợp lý giúp học sinh hiểu được đặc điểm hình thức, ngôn ngữ, phương thức biểu đạt của từng kiểu văn bản; từ đó, giúp học sinh hình thành kĩ năng viết của mình. Xây dựng và tăng cường sử dụng các bài tập dạy viết gắn với các tình huống thực tiễn và giả định để học sinh nhận thức được mối quan hệ giữa yêu cầu học viết trong nhà trường với nhu cầu tạo lập các sản phẩm viết trong đời sống.

    Mục tiêu của giáo dục phổ thông là gì?

    Theo quy định tại Điều 29 Luật Giáo dục 2019 về mục tiêu giáo dục phổ thông bao gồm:

    - Giáo dục phổ thông nhằm phát triển toàn diện cho người học về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo; hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho người học tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    - Giáo dục tiểu học nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở.

    - Giáo dục trung học cơ sở nhằm củng cố và phát triển kết quả của giáo dục tiểu học; bảo đảm cho học sinh có học vấn phổ thông nền tảng, hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp để tiếp tục học trung học phổ thông hoặc chương trình giáo dục nghề nghiệp.

    - Giáo dục trung học phổ thông nhằm trang bị kiến thức công dân; bảo đảm cho học sinh củng cố, phát triển kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và có hiểu biết thông thường về kỹ thuật, hướng nghiệp; có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

    102