Đặc khu Phú Quốc sáp nhập từ các phường xã nào?
Nội dung chính
Đặc khu Phú Quốc sáp nhập từ các phường xã nào?
Căn cứ khoản 95 Điều 1 Nghị quyết 1654/NQ-UBTVQH15 năm 2025 quy định như sau:
Điều 1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang
Trên cơ sở Đề án số 395/ĐA-CP ngày 09 tháng 5 năm 2025 của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang (mới) năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sắp xếp để thành lập các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang như sau:
[...]
95. Sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Dương Đông, phường An Thới và các xã Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu, Cửa Cạn thành đặc khu có tên gọi là đặc khu Phú Quốc.
[...]
97. Sau khi sắp xếp, tỉnh An Giang có 102 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 85 xã, 14 phường và 03 đặc khu; trong đó có 79 xã, 14 phường, 03 đặc khu hình thành sau sắp xếp quy định tại Điều này và 06 xã không thực hiện sắp xếp là các xã Mỹ Hòa Hưng, Bình Giang, Bình Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Tiên Hải.
Như vậy, đặc khu Phú Quốc thuộc tỉnh An Giang sau khi sắp xếp lại được thành lập từ các đơn vị hành chính cấp xã là phường Dương Đông, phường An Thới, xã Dương Tơ, xã Hàm Ninh, xã Cửa Dương, xã Bãi Thơm, xã Gành Dầu, xã Cửa Cạn.
Đặc khu Phú Quốc sau sáp nhập năm 2025
STT | Tên đơn vị hành chính cũ | Loại hình |
1 | Phường Dương Đông | Phường |
2 | Phường An Thới | Phường |
3 | Xã Dương Tơ | Xã |
4 | Xã Hàm Ninh | Xã |
5 | Xã Cửa Dương | Xã |
6 | Xã Bãi Thơm | Xã |
7 | Xã Gành Dầu | Xã |
8 | Xã Cửa Cạn | Xã |
Như vậy, tổng có 2 phường và 6 xã được sáp nhập để hình thành đặc khu Phú Quốc.
Đặc khu Phú Quốc sáp nhập từ các phường xã nào? (Hình từ Internet)
Chính quyền địa phương cấp xã là đặc khu được quy định ra sao?
Căn cứ tiết 1.5 tiểu mục 4 Mục V Phần thứ hai Đề án Ban hành kèm theo Quyết định 759/QĐ-TTg năm 2025 quy định như sau:
V. TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG 02 CẤP
[...]
(4) Trung tâm phục vụ hành chính công
[...]
1.5. Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã
Đối với cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương): Là cấp cao nhất trong hệ thống tổ chức chính quyền địa phương, là nơi chịu sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền Trung ương. Cấp tỉnh có địa vị pháp lý rất quan trọng, có các chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền bao quát một địa bàn dân cư rộng lớn (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) với các đặc điểm, đặc thù, tính chất và yêu cầu quản lý rất đa dạng. Vì vậy, đòi hỏi phải có một mô hình tổ chức thích hợp với đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và khả năng quản lý, điều hành, nhằm giúp Trung ương quản lý theo địa bàn lãnh thổ tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội tại mỗi tỉnh, thành phố, đảm bảo thực hiện hiệu quả các thể chế, chính sách, pháp luật thống nhất từ trung ương đến địa phương trên phạm vi cả nước. Theo đó, cấp tỉnh vừa là cấp thực hiện chính sách (từ Trung ương), vừa là cấp ban hành chính sách trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Đối với cấp xã (xã, phường, đặc khu): Là cấp chính quyền sát dân nhất, gắn bó mật thiết với Nhân dân, đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích của Nhân dân, đồng thời là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động quản lý, điều hành các công việc hành chính và trực tiếp tổ chức thực hiện các thể chế, chính sách, pháp luật của Trung ương và chính quyền địa phương cấp tỉnh tại địa bàn cấp xã. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của chính quyền địa phương cấp xã cần được xây dựng và quy định phù hợp theo hướng chủ yếu là Cấp thực hiện chính sách (từ trung ương và cấp tỉnh), được ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tổ chức thi hành pháp luật và quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp xã trên địa bàn.
[...]
Theo đó, chính quyền địa phương cấp xã, bao gồm xã, phường và đặc khu, được quy định như sau:
- Là cấp chính quyền sát dân nhất, trực tiếp gắn bó với Nhân dân và đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân tại địa phương.
- Trực tiếp tổ chức thực hiện các hoạt động:
+ Quản lý hành chính, điều hành công việc tại địa bàn cấp xã.
+ Thực hiện các thể chế, chính sách và pháp luật của Trung ương và cấp tỉnh tại cơ sở.
- Chức năng chính của cấp xã (kể cả đặc khu):
+ Chủ yếu là cấp thực hiện chính sách từ Trung ương và chính quyền cấp tỉnh.
+ Được ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền.
+ Được quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý tại địa bàn cấp xã.
- Việc quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền cấp xã, bao gồm đặc khu, phải được xây dựng phù hợp với tính chất đặc thù của địa bàn, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ Nhân dân.
Như vậy, chính quyền đặc khu cấp xã có địa vị pháp lý và chức năng tương tự xã, phường nhưng sẽ được thiết kế tổ chức và quy định nhiệm vụ phù hợp với tính chất đặc biệt của đặc khu - như tính chiến lược, biên giới, biển đảo, hoặc vị trí phát triển kinh tế đặc biệt.