Cư trú ở biên giới đi nước ngoài chỉ cần giấy thông hành có đúng không? Thủ tục cấp giấy thông hành là gì?

Cư trú ở biên giới đi nước ngoài chỉ cần giấy thông hành có đúng không? Thủ tục cấp giấy thông hành là gì? Các trường hợp chưa được cấp giấy thông hành là gì?

Nội dung chính

    Cư trú ở biên giới đi nước ngoài chỉ cần giấy thông hành có đúng không?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 giấy tờ xuất nhập cảnh bao gồm:

    a) Hộ chiếu ngoại giao;

    b) Hộ chiếu công vụ;

    c) Hộ chiếu phổ thông;

    d) Giấy thông hành.

    Theo Điều 19 Luật này đối tượng được cấp giấy thông hành bao gồm:

    1. Công dân Việt Nam cư trú ở đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.

    2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.

    3. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở trung ương, địa phương khác nhưng có trụ sở đóng tại tỉnh có chung đường biên giới với nước láng giềng.

    4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Cư trú ở biên giới đi nước ngoài chỉ cần giấy thông hành có đúng không? Thủ tục cấp giấy thông hành là gì? (Hình từ Internet)

    Như vậy, theo quy định như trên nếu bạn cư trú ở xã có đường biên giới với nước láng giềng, thì thuộc đối tượng được cấp giấy thông hành. Giấy thông hành này chỉ  được sử dụng để xuất cảnh qua nước láng giềng và nhập cảnh lại nước ta.

    Thủ tục cấp giấy thông hành là gì?

    Căn cứ Điều 20 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 thủ tục cấp giấy thông hành như sau:

    1. Người đề nghị cấp giấy thông hành nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không cấp giấy thông hành, cơ quan có thẩm quyền hoặc người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lời và nêu rõ lý do cho người đề nghị biết.

    2. Công an xã, phường, thị trấn, công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh tiếp giáp đường biên giới với nước láng giềng cấp giấy thông hành cho các trường hợp quy định tại Điều 19 của Luật này.

    3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp giấy thông hành; quy định việc thu hồi, hủy giá trị sử dụng của giấy thông hành.

    Các trường hợp chưa được cấp giấy thông hành 

    Căn cứ Điều 21 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 các trường hợp sau đây sẽ chưa được cấp giấy thông hành:

    1. Người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 Điều 4 của Luật này.

    2. Người bị tạm hoãn xuất cảnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 37 của Luật này.

    3. Trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

    Thời hạn của giấy thông hành là bao nhiêu lâu

    Căn cứ theo Điều 7 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019  quy định về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh như sau:

    - Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.

    - Thời hạn của hộ chiếu phổ thông được quy định như sau:

    - Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn;

    - Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn;

    - Hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

    - Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn

    Như vậy, giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn

    Trân trọng!

    10