Công trình hiệu quả năng lượng là gì? Nhà nước có khuyến khích xây dựng công trình hiệu quả năng lượng không?
Nội dung chính
Công trình hiệu quả năng lượng là gì?
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Giải thích từ ngữ
...
4. Công trình hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Building) là công trình xây dựng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về hiệu quả năng lượng.
...
Như vậy, theo quy định trên thì có thể hiểu công trình hiệu quả năng lượng (Energy Efficiency Building) là công trình xây dựng đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia về hiệu quả năng lượng.
Công trình hiệu quả năng lượng là gì? Nhà nước có khuyến khích xây dựng công trình hiệu quả năng lượng không? (Ảnh từ Internet)
Nhà nước có khuyến khích xây dựng công trình hiệu quả năng lượng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định:
Công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên và công trình xanh
1. Khi đầu tư xây dựng công trình phải có giải pháp kỹ thuật và biện pháp quản lý nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.
2. Nhà nước khuyến khích xây dựng, phát triển và đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả năng lượng, công trình tiết kiệm tài nguyên, công trình xanh.
3. Việc phát triển các công trình nêu tại khoản 2 Điều này thực hiện theo chính sách, kế hoạch và lộ trình áp dụng do Thủ tướng Chính phủ quy định.
...
Như vậy, theo quy định thì Nhà nước khuyến khích xây dựng công trình hiệu quả năng lượng
Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình hiệu quả năng lượng gồm những gì?
Căn cứ Điều 11 Nghị định 15/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 3 Điều 12 Nghị định 35/2023/NĐ-CP quy định:
Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng
1. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Luật Xây dựng năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 của Luật số 62/2020/QH14.
2. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải thuyết minh rõ các nội dung sau:
a) Sự phù hợp của dự án đầu tư đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được phê duyệt (nếu có);
b) Tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở; tỷ lệ, số lượng các loại nhà ở (biệt thự, liền kề, căn hộ chung cư) và sự tương thích của số lượng các loại nhà ở với chỉ tiêu dân số được phê duyệt;
c) Diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở;
d) Phương án kinh doanh các sản phẩm nhà ở và các sản phẩm khác của dự án;
đ) Sự phù hợp với định hướng phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị được phê duyệt (nếu có); kế hoạch xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật trước khi khai thác nhà ở (nếu có), công trình hạ tầng xã hội và các công trình khác trong dự án; kế hoạch và danh mục các khu vực hoặc công trình và dịch vụ công ích sẽ bàn giao trong trường hợp có bàn giao cho Nhà nước;
e) Phương án phân kỳ đầu tư để đảm bảo yêu cầu đồng bộ đối với các dự án gồm nhiều công trình xây dựng triển khai theo thời gian dài có yêu cầu phân kỳ đầu tư;
g) Đối với khu đô thị không có nhà ở thì không yêu cầu thực hiện các quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản này.
3. Việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được thực hiện đối với toàn bộ dự án hoặc từng dự án thành phần, từng giai đoạn thực hiện của dự án (đối với một hoặc một số công trình thuộc dự án) khi dự án có phân kỳ đầu tư nhưng phải bảo đảm phù hợp với quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc văn bản chấp thuận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cơ quan có thẩm quyền cấp; Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của dự án thành phần hoặc theo giai đoạn phải thể hiện được các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, bảo đảm yêu cầu đồng bộ của toàn dự án.
Như vậy, nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình hiệu quả năng lượng gồm:
- Mục tiêu đầu tư: Xác định rõ mục tiêu và sự cần thiết của dự án.
- Phạm vi và quy mô dự án: Xác định các chỉ tiêu về diện tích, quy mô xây dựng và các hạng mục công trình.
- Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội: Đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm các yếu tố liên quan đến hiệu quả năng lượng.
- Đối với dự án nhà ở, khu đô thị báo cáo phải thể hiện rõ các nội dung sau:
+ Sự phù hợp của dự án với chương trình phát triển nhà ở địa phương: Đảm bảo dự án tuân thủ kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.
+ Tổng diện tích sàn xây dựng và số lượng các loại nhà ở: Bao gồm biệt thự, nhà liền kề, căn hộ chung cư và tương thích với chỉ tiêu dân số đã được phê duyệt.
+ Diện tích đất dành cho nhà ở xã hội: Phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhà ở.
+ Phương án kinh doanh: Xác định phương án kinh doanh các sản phẩm nhà ở và sản phẩm khác của dự án.
+ Sự phù hợp với định hướng phát triển đô thị: Bao gồm kế hoạch xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình khác trước khi khai thác nhà ở.
+ Phương án phân kỳ đầu tư: Đảm bảo tính đồng bộ khi triển khai nhiều công trình theo thời gian dài.
+ Dự án khu đô thị không có nhà ở: Không yêu cầu thực hiện các nội dung tại các điểm a, b, c, và d của khoản 2 Điều 11 Nghị định 15/2021/NĐ-CP
- Trong trường hợp dự án có phân kỳ đầu tư, việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi có thể được thực hiện đối với toàn bộ dự án hoặc từng dự án thành phần, từng giai đoạn thực hiện.
- Báo cáo phải đảm bảo phù hợp với quyết định chủ trương đầu tư, văn bản chấp thuận đầu tư, hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp, và phải thể hiện đầy đủ các nội dung quy định, đảm bảo yêu cầu đồng bộ của toàn dự án.