Công trình hạ tầng đo đạc là gì? Xây dựng công trình hạ tầng đo đạc được quy định ra sao?
Nội dung chính
Công trình hạ tầng đo đạc là gì?
Căn cứ quy định tại Điều 35 Luật Đo đạc và Bản đồ 2018 thì công trình hạ tầng đo đạc bao gồm công trình hạ tầng đo đạc cơ bản và công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành. Trong đó:
- Công trình hạ tầng đo đạc cơ bản bao gồm:
+ Điểm gốc đo đạc quốc gia;
+ Mốc đo đạc quốc gia;
+ Trạm định vị vệ tinh quốc gia;
+ Trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia.
- Công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành bao gồm:
+ Mốc đo đạc cơ sở chuyên ngành;
+ Trạm định vị vệ tinh chuyên ngành;
+ Trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành.
Công trình hạ tầng đo đạc là gì? Xây dựng công trình hạ tầng đo đạc được quy định ra sao? (Hình từ Internet)
Xây dựng công trình hạ tầng đo đạc được quy định ra sao?
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định xây dựng công trình hạ tầng đo đạc như sau:
- Công trình hạ tầng đo đạc xây dựng bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ 2018, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
-Khi xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục để được giao đất, cho thuê đất hoặc sử dụng công trình kiến trúc đã có để xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, xác định hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Sau khi hoàn thành xây dựng mốc đo đạc, chủ đầu tư làm biên bản bàn giao hiện trạng mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc tại thực địa cho Ủy ban nhân dân cấp xã với sự có mặt của chủ sử dụng đất có liên quan theo Mẫu số 03 Phụ lục I, kèm theo sơ đồ vị trí mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2019/NĐ-CP; bàn giao danh sách kèm theo sơ đồ vị trí mốc đo đạc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2019/NĐ-CP. Đồng thời, chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, kết quả xây dựng mốc đo đạc theo quy định của đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt.
Vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc
Theo Điều 13 Nghị định 27/2019/NĐ-CP thì công trình hạ tầng đo đạc phải xây dựng quy trình vận hành bao gồm:
-Trạm định vị vệ tinh quốc gia;
- Trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia;
- Trạm định vị vệ tinh chuyên ngành;
- Trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành.
Và việc vận hành công trình hạ tầng đo đạc được quy định như sau:
- Chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đo đạc phải lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 27/2019/NĐ-CP phê duyệt trước khi đưa vào khai thác, sử dụng;
- Đối với công trình hạ tầng đo đạc đang khai thác, sử dụng mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức được giao vận hành công trình hạ tầng đo đạc có trách nhiệm lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 27/2019/NĐ-CP phê duyệt.
Bên cạnh đó, Bảo trì công trình hạ tầng đo đạc là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác, sử dụng. Nội dung bảo trì công trình hạ tầng đo đạc bao gồm một hoặc một số hoặc toàn bộ các công việc gồm kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình. Mỗi loại công trình hạ tầng đo đạc phải có quy trình bảo trì quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì; quy trình bảo trì đảm bảo phù hợp và được tích hợp với quy trình vận hành công trình hạ tầng đo đạc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều 13 Nghị định 27/2019/NĐ-CP phê duyệt.
Trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc thuộc về ai?
Căn cứ tại Điều 16 Nghị định 27/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc như sau:
- Cơ quan, tổ chức được giao trực tiếp bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã công bố công khai mốc giới, ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc, chịu trách nhiệm về việc bảo vệ an toàn công trình hạ tầng đo đạc; trường hợp hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ bị lấn, chiếm, sử dụng trái phép để xử lý; định kỳ hàng năm báo cáo tình trạng công trình hạ tầng đo đạc theo quy định tại Điều 4 Nghị định 27/2019/NĐ-CP.
- Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình hạ tầng đo đạc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật có liên quan đến bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; công bố công khai mốc giới, ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc; kịp thời xử lý những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.