Công tác khắc phục hậu quả trong kế hoạch ứng phó thảm họa động đất, sóng thần ra sao?
Nội dung chính
Công tác khắc phục hậu quả trong kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần ra sao?
Tại Tiểu mục 3 Mục III Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần kèm theo Quyết định 645/QĐ-TTg năm 2022 có quy định về công tác khắc phục hậu quả trong kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần như sau:
Công tác khắc phục hậu quả
- Huy động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị tiếp tục tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương; nhanh chóng đánh giá thiệt hại và nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.
+ Tiếp tục huy động các lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền.
+ Huy động lực lượng, phương tiện ngành y tế, các đội y tế hỗ trợ khẩn cấp để tiếp nhận, phân loại, cấp cứu, vận chuyển, thu dung, điều trị nạn nhân. Làm tốt công tác phân loại, giám định người tử nạn, an táng theo quy định.
+ Đánh giá cụ thể thiệt hại về người, tài sản, các công trình, hạ tầng;.. mức độ ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, nhu cầu cứu trợ khẩn cấp.
- Bố trí nơi ở tạm cho những người bị mất nhà cửa, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, bảo đảm hậu cần, vật tư y tế cho lực lượng ứng phó và nhân dân vùng bị nạn.
- Thu dọn, xử lý vệ sinh môi trường, tiêu độc, tẩy xạ, diệt trùng, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn môi trường sống.
- Đánh giá tổng hợp tình hình, thực hiện công tác chính sách, xây dựng kế hoạch, tiến hành các biện pháp hỗ trợ, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng; ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội.
Lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần của Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào?
Tại Tiểu mục 4 Mục III Kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần kèm theo Quyết định 645/QĐ-TTg năm 2022 có quy định về lực lượng, phương tiện trong kế hoạch quốc gia ứng phó thảm họa động đất, sóng thần của Bộ Quốc phòng như sau:
- Bộ Quốc phòng
+ Lực lượng không quân: Các Đội bay tìm kiếm cứu nạn đường không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân; lực lượng không quân thuộc Quân chủng Hải quân và Binh đoàn 18;
+ Các Đội tham gia hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai; cứu sập; khắc phục hậu quả về môi trường; Quân y cứu trợ thảm họa; chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; thông tin liên lạc cơ động ứng phó thiên tai, thảm họa...;
+ Các tàu, xuồng, ca nô và các phương tiện thủy khác làm nhiệm vụ vận tải, huấn luyện, tuần tra, thực thi pháp luật trên sông, trên biển thuộc: Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các Quân khu ven biển, Binh chủng Đặc công, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng...;
+ Các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn: Có 10 trạm đang hoạt động và được tiếp tục đầu tư, xây dựng: Cô Tô (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Trường Sa (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thổ Chu (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Song Tử Tây (Khánh Hòa);
+ Các trung tâm đào tạo, huấn luyện: Trung tâm Quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường biển; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Bắc; Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền Trung; Trung tâm Quốc gia Huấn luyện tìm kiếm cứu nạn đường không;
+ Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường;
+ Các đơn vị bộ binh, công binh, vận tải, hóa học, thông tin liên lạc, hậu cần, quân y và các đơn vị khác thuộc các Tổng cục, Quân khu, Quân đoàn, Quân Binh chủng, Binh đoàn, Bệnh viện, Học viện, Nhà trường và tương đương;
+ Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực cứu hộ cứu nạn, vận tải biển, tài nguyên môi trường, y tế, thông tin, viễn thông ... (như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, Bệnh viện các tuyến).